Hotline: 0941068156
Thứ hai, 12/05/2025 06:05
Chủ nhật, 11/05/2025 12:05
TMO - Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cấp, các ngành chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), toàn tỉnh có gần 265 nghìn ha rừng, trong đó, có gần 107ha rừng tự nhiên, hơn 158ha rừng trồng. Độ che phủ rừng năm 2024 là 52,7% (bao gồm cây trồng phân tán). Trong những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nên giảm đáng kể số vụ và diện tích rừng cháy. Cụ thể, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, diện tích thiệt hại gần 16,7ha. Trong 4 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.
Năm 2025, trên địa bàn tỉnh có hơn 159.000 ha nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trong đó, rừng trồng hơn 158 ha, rừng tự nhiên hơn 1.200 ha. Thời điểm này đang bước vào giai đoạn nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; để công tác PCCCR trong thời gian tới đạt hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu bên cạnh thực hiện chỉ đạo "6 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền) trong công tác PCCCR của trung ương, việc tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh cũng cần phải rõ.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra. Khẩn trương xây dựng kế hoạch PCCCR năm 2025 với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng; đặc biệt chú trọng các phương án sẵn sàng ứng phó khi dự báo nguy cơ cháy rừng cấp 4, cấp 5.
Trước dự báo về nguy cơ cháy rừng xảy ra, các địa phương cần sẵn sàng phương án ứng phó, giảm thiệt hại (Ảnh minh họa).
Chủ động làm việc, phối hợp với Sở NN&MT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum để thống nhất các nội dung, nhiệm vụ, đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu quả công tác PCCCR trong thời gian tới, nhất là khi nhập tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác PCCCR, nhất là sử dụng bản đồ vệ tinh, phần mềm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong trường hợp có cháy rừng xảy ra, khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để xử lý tình huống, không để cháy lan, cháy lớn, cháy kéo dài nhiều ngày. Báo cáo nhanh tình hình cháy rừng về Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy; sau cháy rừng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương xác minh điều tra làm rõ, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy. Chủ động thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về rừng; tăng cường diễn tập chữa cháy rừng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ gây cháy, chủ động thực hiện kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra.../.
Lê Nam
Bình luận