Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ tư, 17/07/2024 07:07
TMO - Những năm qua, việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng để phát huy tối đa lợi thế của rừng, tạo việc làm, thêm thu nhập, cải thiện sinh kế, giúp người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng.
Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ hai của cả nước với diện tích rừng tự nhiên là 1.057.474,05 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 681.156 ha, bao gồm rừng tự nhiên 462.321 ha, rừng trồng 218.836 ha. Tỷ lệ che phủ rừng khá cao đạt 58,88 %. Hiện tại, tổng diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thuộc 16 lưu vực trên địa bàn tỉnh hơn 311.297ha. Trong đó, có 11 chủ rừng đại diện cho tổ chức nhận khoán bảo vệ; 13 chủ rừng là UBND các xã và 18 cộng đồng dân cư thôn. Tổng nguồn thu kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng năm 2023 ước đạt 200 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện thu hơn 100,1 tỷ đồng (đạt 51,46% kế hoạch). Nguồn thu chủ yếu của chính sách từ các nhà máy thủy điện, các đơn vị nước sạch, nước công nghiệp. Về nguồn chi, đơn vị nhận ủy thác đã tạm ứng 2 lần tiền chính sách DVMTR cho các chủ rừng gần 68,7 tỷ đồng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, hầu hết đơn vị sử dụng DVMTR nộp tiền đúng thời hạn; chi tạm ứng đảm bảo kip thời.
Chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Việc giải ngân kinh phí chi trả chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra do phần lớn chủ rừng là UBND các xã chưa xây dựng phương án sử dụng kinh phí chi trả DVMTR được UBND huyện phê duyệt nên không đủ căn cứ để chi tạm ứng. Nguồn thu này dùng để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, giảm áp lực gánh nặng ngân sách đối với Nhà nước; cùng với đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp từ rừng hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến rừng. Từ đó, phát huy hiệu quả nhiệm vụ quản lý cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp lâu dài, bền vững của tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam: Chính sách chi trả DVMTR được triển khai hiệu quả đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Thành công đầu tiên chính là từ việc thực hiện Chính sách đã triển khai được công tác rà soát, xác định được diện tích rừng có cung ứng DVMTR, góp phần làm cho rừng thực sự có chủ, công tác bảo vệ rừng được tiến hành thuận lợi, thường xuyên, chặt chẽ. Thực hiện tốt Chính sách chi trả DVMTR cũng là điều kiện để tỉnh làm tốt công tác quy hoạch bảo vệ rừng tự nhiên toàn tỉnh.
Hiện nay, Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 về quy định nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gia đoạn 2023 - 2025, mức hỗ trợ đến 600.000 đồng/ha/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 5 nhóm hộ nhận khoán với 61 người, 51 cộng đồng được giao khoán với 2.550 người và lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng là 1049 người thường xuyên tuần tra; kiểm tra rừng, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng; qua kết quả nghiệm thu diện tích rừng chi trả DVMTR hằng năm cho thấy rừng được bảo vệ tốt.
Để phát huy hiệu quả của chính sách, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Quỹ thường xuyên phối hợp các ban ngành, cơ quan liên quan đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR chuyển tiền DVMTR về Quỹ đúng quy định; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp chậm nộp tiền DVMTR để đảm bảo việc giải ngân kịp thời. Đồng thời, thực hiện tốt quy định về tạm ứng, thanh toán tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh để chi trả đầy đủ, kịp thời nguồn tiền DVMTR theo Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ngày 9/4/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam về Quyết định ban hành quy định số lần tạm ứng, tỷ lệ tạm ứng và thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trong 6 tháng đầu năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện thu hơn 100,1 tỷ đồng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống công cụ giám sát chính sách chi trả DVMTR, theo đó đơn vị đã phối hợp với Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học vừa tổ chức hội thảo triển khai thí điểm phần mềm giám sát quản lý hồ sơ chi trả. Tại đây, các đại biểu đóng góp ý kiến về thí điểm sử dụng phần mềm mới để vận hành giám sát DVMTR thống nhất trong năm 2024. Phần mềm giám sát sẽ giúp Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng từ cấp trung ương đến địa phương cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu thông tin về biến động diện tích, trạng thái rừng, nhật ký tuần tra rừng, chi trả tiền…, giúp nâng cao tính hiệu quả trong quá trình thực hiện chính sách.
Trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR nhiều đơn vị chủ rừng và 12 UBND các xã được giao quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, đơn vị còn kiểm tra tình hình chi trả DVMTR tại 12 UBND xã được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng (gồm các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp (Tiên Phước), Phước Gia, Thăng Phước, Quế Lưu (Hiệp Đức), Duy Sơn (Duy Xuyên), các xã Đại Quang, Đại Đồng, Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc).
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành, hỗ trợ quản lý, bảo vệ cho gần 7,3 triệu héc-ta rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng toàn quốc…
Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của dịch vụ môi trường rừng, ngành lâm nghiệp đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến Luật Lâm nghiệp, trong đó phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng từ bao nhiêu mét khối nước/năm trở lên sẽ thuộc đối tượng phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng và danh sách các ngành nghề sản xuất công nghiệp phải thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các địa phương có rừng đẩy nhanh công tác đồng bộ diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng với kết quả theo dõi diễn biến rừng, nhằm bảo đảm tính thống nhất về diện tích, trạng thái, nguồn gốc rừng để phục vụ cho công tác xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm bảo đảm theo quy định. Tập trung rà soát diện tích rừng, để diện tích rừng đưa vào chi trả dịch vụ môi trường rừng bảo đảm các tiêu chí, điều kiện theo quy định, trong đó chú trọng đến diện tích của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thêm vào đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị cung ứng, bảo đảm diện tích rừng đưa vào chi trả đúng với diện tích rừng thực tế hiện có nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động thu, chi dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.../.
Vũ Hoàng
Bình luận