Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ tư, 11/09/2024 14:09
TMO - Tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước, với 681.156ha. Từ lợi thế này, Quảng Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên là 462.321ha, rừng trồng 218.836ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,88%. Từ diện tích trồng rừng hằng năm, giúp tăng độ che phủ rừng, hình thành nguồn cung ứng nguyên liệu rừng trồng cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và tăng giá trị sản xuất cho ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, các Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ươm các loài cây giống như: Dổi ăn hạt, quế, xoan… cấp phát cho người dân vùng đệm trồng rừng gỗ lớn. Cùng với việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Quảng Nam cũng phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng ở 9 huyện miền núi vừa ổn định kinh tế gia đình, vừa bảo vệ tốt diện tích rừng.
Theo Sở NN&PTNT, các chính sách của Trung ương và dự án hỗ trợ trồng rừng trong và ngoài nước đã kích cầu phát triển đa dạng kinh tế rừng. Do đó, người dân ngoài hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu gỗ khai thác, còn cải thiện sinh kế thông qua các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Theo thống kê, có khoảng 30.000 hộ được hưởng lợi thông qua cơ chế giao khoán bảo vệ, phát triển rừng và lâm sản ngoài gỗ. Nhiều địa phương miền núi, trung du đang huy động nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp.
Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam sở hữu hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: MC.
Ngoài ra, khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam sở hữu hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tại Quảng Nam, tổng diện tích cây dược liệu qua thống kê khoảng 2.471ha, chủ yếu trồng ở các huyện miền núi. Quảng Nam đã xác định đẩy mạnh việc trồng cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi... là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế trong những năm đến. Do đó, nhiều năm nay, Quảng Nam ban hành các chủ trương, chính sách để bảo tồn, khuyến khích phát triển ở khu vực có điều kiện, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác hiệu quả tài nguyên rừng trong phát triển kinh tế. Tại huyện miền núi Đông Giang, tổng diện tích tự nhiên huyện là hơn 82.185ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng chiếm hơn 69.960ha. Các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện ổn định. Nhờ có nguồn thu nhập và đơn giá bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên (trung bình 500 nghìn đồng/ha), người dân yên tâm giữ rừng và ổn định cuộc sống. mỗi năm Đông Giang phấn đấu trồng 800ha rừng gỗ lớn. Hiện nay, người dân đã trồng khoảng 500ha cây quế (chủ yếu tập trung ở thị trấn Prao), 30ha cây gáo (các xã Mà Cooih, A Ting), còn cây dổi vàng được trồng phân tán ở một số nơi.
Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng theo Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh tiếp tục được huyện quan tâm triển khai. Theo đó, địa phương hỗ trợ trồng cây chè dây tại xã Ba, xã Tư; cây sâm bảy lá một hoa tại thị trấn Prao, các xã A Rooi và Tà Lu; cây ba kích tím tại các xã, thị trấn; cây thổ phục linh tại xã Tư. Phương án triển khai trồng thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh được xây dựng. Các dự án liên kết chuỗi giá trị trồng cây dược liệu ba kích tím, trồng cây quế đang diễn ra thuận lợi, hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, vừa bảo vệ môi trường rừng.
Tại huyện Phước Sơn với 80.000ha rừng, trong đó có khoảng 67.000 rừng tự nhiên, địa phương này đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ và phát triển bền vững nhằm nâng cao giá trị từ rừng để giúp cho người dân sống ở các vùng giáp ranh có điều kiện phát triển kinh tế và ổn định hơn. Trên địa bàn huyện có 73.891,40ha được giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ.
Chú trọng công tác phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, từng bước cải thiện chất lượng rừng trồng thông qua trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC và coi đây là một định hướng quan trọng để phát triển rừng trồng, trong năm 2023 huyện có 500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC; dự kiến đến năm 2030 đạt 1.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và có 20% rừng trồng theo hướng trồng rừng gỗ lớn.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng, góp phần mang lại hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời, thúc đẩy phát triển bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng, góp phần bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu thông qua đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam đề ra một số mục tiêu phấn đấu đạt được như: Tổ chức quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có và phát triển lâm nghiệp bền vững phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững, tạo sức cạnh tranh cao cho ngành lâm nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng vùng, miền (vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người tham gia hoạt động nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quảng Nam phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 61%. Phấn đấu khoanh nuôi phục hồi rừng khoảng 10.800 ha; tăng diện tích rừng trồng khoảng 3.000 ha (mỗi năm khoảng 500 ha); rà soát diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng ngoài quy hoạch chưa thống kê để tham gia tính độ che phủ rừng và trồng cây phân tán bình quân 10 triệu cây/năm. Phát triển mở rộng diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 3 tăng khoảng 4.569,25 ha; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng ngập mặn ven biển (khoảng 200 ha) và xây dựng đề án tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn (Ảnh minh họa).
Trồng rừng sản xuất nguyên liệu gỗ tập trung khoảng 150.000 ha, trong đó: phát triển trồng rừng gỗ lớn chiếm 30% (khoảng 45.000 ha) diện tích rừng sản xuất để đáp ứng cung cấp nguồn nhiên liệu gỗ hợp pháp cho thị trường đến năm 2030, đạt trên 20% (khoảng 30.000 ha) diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Giá trị tổng sản phẩm ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 15,21%; trong đó: giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,7 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020 (bình quân từ 170 m3 /ha/chu kỳ 10 năm);
Đồng thời, phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với diện tích đạt trên 8.400 ha, tổng sản lượng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn Sâm củ từ 05 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Phấn đấu 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO (khoảng 15 - 30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO).
Địa phương này đặt mục tiêu thu hút trên 30.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ, phát triển rừng, kinh tế rừng và phát triển dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, trong đó có trên 70% tổng số lao động là người dân tộc thiểu số được tạo thêm việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chiếm 50%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020…/.
Hà Trang
Bình luận