Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 27/04/2025 22:04
Thứ hai, 14/04/2025 14:04
TMO - Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam thiết lập hệ thống giống cây lâm nghiệp bản địa để cung cấp giống có chất lượng, phục vụ nhu cầu trồng rừng, trồng cây lấy gỗ trên địa bàn tỉnh.
Triển khai Đề án phát triển nguồn giống cây lâm nghiệp bản địa trên địa bàn tỉnh, Quảng Nam hướng tới mục tiêu xây dựng 20ha lâm phần tuyển chọn cho lim xanh, ươi (10ha/loài); khảo sát đánh giá và lựa chọn cây trội muồng đen từ các cây mọc phân tán, riêng lẻ tại huyện Nam Giang (diện tích khoảng 20ha). Chọn 130 cây trội lim xanh, ươi và muồng đen tại Quảng Nam; đánh giá lại 30 cây trội giổi ăn hạt đã được công nhận ở tỉnh Hòa Bình để lấy giống xây dựng vườn ghép tại Quảng Nam và xây dựng 6ha khảo nghiệm hậu thế kết hợp làm vườn giống.
UBND tỉnh giao nhiệm vụ khảo sát đánh giá và lựa chọn lâm phần tuyển chọn đối với các loài lim xanh, ươi; chọn lọc cây trội và thu hái hạt giống/vật liệu giống lim xanh, ươi, muồng đen và giổi ăn hạt; khảo nghiệm hậu thế và xây dựng vườn giống lim xanh, ươi, muồng đen và xây dựng vườn giống cây ghép giổi ăn hạt. Phạm vi thực hiện trên địa bàn các huyện Nam Giang, Tây Giang và Nam Trà My (Quảng Nam); huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình).
Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam được giao chủ trì đề án; các Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Sản phẩm của đề án bao gồm tuyển chọn 160 cây trội, gieo tạo 9.332 cây giống các loài phục vụ trồng khảo nghiệm và xây dựng 6ha khảo nghiệm hậu thế kết hợp làm vườn giống, 4ha vườn giống cây ghép giổi ăn hạt và 20ha lâm phần tuyển chọn cho lim xanh, ươi (10 ha/loài). Thời gian triển khai thực hiện từ năm 2025 - 2030, với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng.
Theo đó, đối với nhiệm vụ khảo sát đánh giá thực trạng lâm phần tuyển chọn: Lim xanh và Ươi tại huyện Tây Giang và Vườn Quốc gia Sông Thanh, các đơn vị tiến hành điều tra sơ bộ xác định các khu rừng ưu thế với các loài Lim xanh và Ươi: Mỗi tiểu khu mỗi loài (Vườn Quốc gia Sông Thanh 2 tiểu khu cho 2 loài Lim xanh và Ươi; huyện Tây Giang 1 tiểu khu cho Lim xanh).
Điều tra tuyến, chọn vị trí, lập ô tiêu chuẩn định vị và thu thập số liệu sinh trưởng, phát triển cho khu rừng và cho các loài Lim xanh và Ươi: Mỗi khu rừng điều tra 3 tuyến, dung lượng mẫu điều tra tối thiểu 2% diện tích. Xử lý số liệu, xây dựng báo cáo xác định lâm phần tuyển chọn nguồn giống cho Lim xanh và Ươi (10 ha/loài).
Tỉnh Quảng Nam hướng tới mục tiêu xây dựng 20ha lâm phần tuyển chọn cho lim xanh (Ảnh minh họa).
Chọn lọc cây trội: Lim xanh tại Tây Giang 25 cây, Vườn Quốc gia Sông Thanh 25 cây; Muồng đen tại Nam Giang 50 cây; Ươi tại Vườn Quốc gia Sông Thanh 30 cây. Đánh giá lại 30 cây trội loài Giổi ăn hạt đã được công nhận tại Hòa Bình và tuyển chọn cành ghép. Thu hái hạt giống từ 130 cây trội (gồm 25 cây Lim xanh tại Tây Giang, 25 cây Lim xanh và 30 cây Ươi tại Vườn Quốc gia Sông Thanh, 50 cây Muồng đen tại Nam Giang; thu cắt cành ghép 30 cây Giổi ăn hạt tại Hòa Bình.
Xây dựng 06 ha khảo nghiệm hậu thế kết hợp làm vườn giống, gồm: Lim xanh 02 ha (01 ha ở BQL rừng phòng hộ huyện Tây Giang, 01 ha ở Vườn Quốc gia Sông Thanh), Muồng đen 02 ha (ở BQL rừng phòng hộ huyện Nam Giang); Ươi 02 ha (ở Vườn Quốc gia Sông Thanh)
Trong đó, gieo ươm nhân giống 7.332 cây giống phục vụ trồng khảo nghiệm từ các cây trội chọn lọc: Lim xanh 2.444 cây, Muồng đen 2.444 cây, Ươi 2.444 cây. Chuẩn bị hiện trường và tổ chức trồng 06 ha khảo nghiệm hậu thế kết hợp làm vườn giống các loài Lim xanh 02 ha, Muồng đen 02 ha, Ươi 02 ha.
Chăm sóc bảo vệ và đánh giá sinh trưởng 06 ha khảo nghiệm hậu thế kết hợp làm vườn giống các khảo nghiệm đã xây dựng. Gieo ươm nhân giống 2.000 cây giống phục vụ trồng vườn giống cây ghép từ các cây trội chọn lọc (ở Hoà Bình) tại huyện Nam Trà My. Xây dựng 04 ha vườn giống cây ghép Giổi ăn hạt. Chăm sóc, bảo vệ và đánh giá sinh trưởng 04 ha vườn giống Giổi ăn hạt.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, ngoài tìm kiếm phương pháp nâng cao chất lượng cây giống, các địa phương, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, nhất là quản lý chất lượng giống, đảm bảo truy xuất nguồn gốc giống trước khi đưa vào trồng rừng. Cần tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa, nguồn giống, đặc biệt chú trọng cây có năng suất, chất lượng cao, cây đa mục tiêu…, phục vụ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lĩnh vực lâm nghiệp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống nghiên cứu khảo nghiệm, sản xuất các loài giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Quảng Nam hướng tới mục tiêu xây dựng được trung tâm giống lâm nghiệp quy mô cấp tỉnh đạt chất lượng theo quy chuẩn hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ về cây giống, phục vụ công tác trồng rừng trong địa bàn tỉnh, thậm chí là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc./.
Đức Dũng
Bình luận