Hotline: 0941068156
Thứ năm, 13/02/2025 16:02
Thứ năm, 13/02/2025 11:02
TMO – Tỉnh Quảng Nam cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế ban đêm… cùng các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quảng Nam thuộc khu vực miền Trung, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, với diện tích gần 10.600 km2 (thứ 6 cả nước); dân số trên 1,5 triệu người (thứ 20 cả nước), gồm 37 dân tộc anh em. Khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng có nhiều thuận lợi (nhiệt độ trung bình khoảng 250C và không có sự cách biệt lớn giữa các tháng trong năm). Tỉnh có vị trí địa lý "đắc địa", theo hướng Bắc-Nam, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hướng đông-tây vừa giáp Biển Đông, vừa giáp biên giới với Lào (có đường biên giới dài trên 157 km với Lào; bờ biển dài 125 km).
Tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ: Đường bộ có quốc lộ 1A, đường ven biển, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...; đường không có Cảng hàng không Chu Lai và gần sân bay quốc tế Đà Nẵng; đường biển có cảng nước sâu Dung Quất, Kỳ Hà và cận kề cảng Tiên Sa; đường sông có 3 sông lớn là Vũ Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bố trí Ga hàng hóa Chu Lai.
Về công nghiệp, có Khu kinh tế mở Chu Lai-khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam; các khu công nghiệp như Điện Nam-Điện Ngọc, Tam Thăng, Đông Quế Sơn…
Về nông nghiệp và kinh tế biển, có Sâm Ngọc Linh - được xem là "quốc bảo" của Việt Nam; nhiều vùng đất trồng lúa, cây ăn quả, rau sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 40.000 km2.
Quảng Nam còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt về du lịch. Ảnh minh họa.
Về du lịch, có nhiều tài nguyên du lịch mang giá trị toàn cầu như Di sản văn hoá thế giới (đô thị cổ Hội An, Đền tháp Mỹ Sơn); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm; nhiều thắng cảnh tự nhiên (bãi biển đẹp, hồ nước lớn, rừng núi). Về năng lượng, các nhà máy thủy điện công suất lớn như Sông Tranh 2, A Vương...; tiềm năng điện khí từ mỏ "Cá Voi Xanh" và điện gió ngoài khơi…
Về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, trong năm 2024, tăng trưởng GRDP bắt đầu phục hồi tốt, từ giảm 8,25% năm 2023 đến tăng 7,1% năm 2024; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm 68,3%). Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt 27,6 nghìn tỷ, tăng 10,1% so với năm 2023.
Thu hút đầu tư tạo được động lực tăng trưởng. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 241 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 6,45 tỷ USD, xếp thứ 20 cả nước; trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Du lịch là điểm sáng. Năm 2024 thu hút được 8 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm gần 31,3% khách quốc tế đến Việt Nam, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa quảng bá đất nước, con người xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung.
An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được nâng lên (tỉ lệ nghèo giảm trên 1%; GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023). Tích cực triển khai Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với cách làm sáng tạo (như đấu giá sâm Ngọc Linh để ủng hộ xóa nhà tạm); đến nay đã hoàn thành 60% kế hoạch.
Kết luận tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Quang Nam mới đây (theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Quảng Nam cần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dịch vụ và công nghiệp, lấy khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh và các ngành trong tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: QH
Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó chú trọng rà soát các vướng mắc về thể chế, báo cáo kịp thời với các bộ, cơ quan trung ương để xem xét, xử lý; chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng chiến lược (hạ tầng giao thông; hạ tầng y tế, giáo dục; hạ tầng xã hội; hạ tầng thể thao…).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Quảng Nam rà soát lại cách huy động nguồn lực theo phương châm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo và sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp. Huy động hiệu quả nguồn lực cho các dự án trọng điểm và hạ tầng chiến lược; tăng thu, tiết kiệm chi, mở rộng cơ sở thu, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại điện tử.
Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát theo phát động của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng công tác xây dựng nhà ở xã hội; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chú trọng và bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hoá, xã hội; coi trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển nhanh nhưng phải bền vững; chú trọng phát triển xanh và tận dụng năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, gắn với tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải cùng chung tay, giúp sức để xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Nam theo phương châm đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; xử lý công việc theo tinh thần không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm và phải có đầu ra cho các kiến nghị, đề xuất của Tỉnh, phải có thời hạn xử lý cụ thể…/.
THIÊN THỤY
Bình luận