Hotline: 0941068156
Thứ tư, 05/02/2025 13:02
Thứ năm, 26/12/2024 16:12
TMO - UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát đất lâm nghiệp được giao quản lý, tổng hợp diện tích phù hợp với các tiêu chí để đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế duy trì độ che phủ rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
Cụ thể, ngày 25/12/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản số 2474/UBND-KT về việc rà soát quỹ đất lâm nghiệp và đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2025. Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn kinh phí trồng rừng thay thế thu từ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chưa giao thực hiện trồng rừng thay thế tại Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh khoảng 90 tỷ đồng và sẽ tiếp tục phát sinh tăng thêm trong thời gian tới. Trong khi đó, kết quả theo dõi diễn biến rừng kết hợp với dữ liệu ảnh vệ tinh cho thấy các đơn vị chủ rừng vẫn còn diện tích đất trống thuộc quy hoạch phòng hộ, đặc dụng, sản xuất đáp ứng quy định để trồng rừng thay thế.
Để duy trì độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển, kinh tế, xã hội, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương, đơn vị, chủ rừng trên cơ sở diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý, tiến hành rà soát địa danh, diện tích đảm bảo các tiêu chí để đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế. Đối tượng, diện tích đất lâm nghiệp đăng ký trồng rừng thay thế gồm: Đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đất trống quy hoạch rừng sản xuất của chủ rừng được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp, trừ chủ rừng là doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn (khai thác sau 10 năm) trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số.
(Ảnh minh hoạ).
Chi phí trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng được tính dựa trên đơn giá quy định tại quyết định số 50/2024/QĐ-UBND ngày 16/12/2024 của UBND tỉnh Quảng Bình và mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo quy định tại khoản 2 Điều 14 nghị định số 58/NĐ-CP ngày 24/5/2024. Các đơn vị và các chủ rừng khác quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các UBND các xã sà soát đăng ký danh sách theo mẫu quy định trong Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Văn bản đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế gửi về Sở NN&PTNT trước ngày 15/1/2025 để tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị chủ rừng để rà soát quỹ đất đảm bảo đối tượng theo quy định. Tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh giao kế hoạch trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn năm 2025.
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có diện tích rừng là 591.368 ha, trong đó, rừng tự nhiên có 469.961 ha, rừng trồng có 121.407 ha… diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Bình chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã quản lý bảo vệ.
Theo Sở NN&PTNT Tỉnh Quảng Bình vào vụ trồng rừng năm nay, các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng sản xuất. Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh trồng được gần 6.600ha, tăng 3,5% so với kế hoạch. Dự kiến đến hết vụ trồng rừng, Quảng Bình sẽ trồng được 9.500 ha rừng trồng tập trung (trong đó 700 ha rừng gỗ lớn). Hiện nay, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đứng thứ 2 toàn quốc về độ che phủ rừng với trên 68 %.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Quảng Bình đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng và bảo vệ rừng. Cùng với việc bảo vệ tốt rừng tự nhiên, tỉnh không ngừng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn bằng những giống cây bản địa, qua đó góp phần phát triển kinh tế rừng bền vững.
Nguyễn Hoàng
Bình luận