Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 15:10
Thứ tư, 12/06/2024 05:06
TMO - UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian tới Quảng Bình cần tăng cường liên kết trong hoạt động du lịch xanh và OCOP của tỉnh nhằm hướng đến việc chinh phục du khách trong và ngoài nước.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho thấy, toàn tỉnh hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn với 107 chủ thể kinh tế. Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung bộ, với một số sản phẩm nổi bật, như: Khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản... Đây là những kết quả tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh và các sản phẩm OCOP Quảng Bình đang trên hành trình chinh phục du khách trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của ngành chức năng địa phương, mỗi sản phẩm OCOP được xem là “sứ giả văn hóa” của một xã/phường cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Khách du lịch trong quá trình mua sắm luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần.
Tỉnh Quảng Bình tăng cường phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Ảnh: BNN.
Sở NN&PTNT Quảng Bình đánh giá cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình. Có sự chỉnh chu, đa dạng trong sản phẩm để khách hàng thoải mái hơn trong quá trình chọn mua. Tuy nhiên, dù số lượng sản phẩm OCOP của Quảng Bình không nhỏ nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều. Do vậy, cần tính toán đến việc phát triển thêm các điểm bán sản phẩm OCOP, nhất là điểm du lịch của tỉnh. Ở đó phải có sự quản lý, kiểm soát và cam kết chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới. Trong đó, có các sản phẩm hàng lưu niệm mà OCOP là sản phẩm chủ lực. Sản phẩm OCOP tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, nhờ đó không ít gia đình trên địa bàn tỉnh có được cuộc sống khá giả hơn, góp phần vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển du lịch phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”. Tỉnh cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới với mục tiêu kép là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp xu thế đổi mới điểm đến du lịch. Việc xây dựng môi trường sinh thái dưới tán rừng, sinh vật cảnh trên mặt đất, hệ thống hang động trong lòng núi... cũng được gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo để khai thác ngày càng hiệu quả. Đây cũng là định hướng du lịch xanh, phát triển bền vững tỉnh hướng đến.
Các sản phẩm OCOP Quảng Bình đang trên hành trình chinh phục du khách và tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ. Quảng Bình tích cực khơi dậy sự sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh tham gia OCOP; có chính sách hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP, qua đó phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương.
Hiện nay, Quảng Bình đã cho ra mắt loạt sản phẩm du lịch mới nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp với xu thế của đổi mới điểm đến du lịch hiện nay. Khơi dậy sự sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP, đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP, qua đó phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương.
Thời gian tới địa phương này tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Quảng Bình đặt mục tiêu cụ thể là điểm đến hàng đầu Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số khách du lịch đạt từ 25 - 28 triệu lượt. Tỷ lệ đóng góp của du lịch đạt 10 - 12% GRDP tỉnh và góp phần đưa ngành dịch vụ đạt 50,5% trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn. Những nỗ lực trong hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ vừa qua đã góp phần tạo nên những dấu ấn đặc biệt của địa phương trên bản đồ du lịch của Việt Nam cũng như thế giới.
Bên cạnh mục tiêu phát triển du lịch nói chung, quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh đã xác định phát triển du lịch nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch. Từ đó, đã khơi dậy sự sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP, đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP, qua đó phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương.
Nhằm tiếp tục khai thác lợi thế về sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch xanh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững của tỉnh, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm OCOP Quảng Bình;
Tiếp tục tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước. Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế…
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Hiện tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP; căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT định hướng kế hoạch triển khai 02 Chương trình này.
Theo đó, với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Bộ triển khai trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; phát triển thị trường…. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.
Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn…/
Thùy Dung
Bình luận