Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ hai, 14/08/2023 14:08
TMO - Việc thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ, yếu tố có hại nơi làm việc. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở nước ta vừa tạo thuận lợi nhưng cũng mang tới thách thức trong việc đảm bảo môi trường lao động (MTLĐ), phòng, chống bệnh nghề nghiệp (PCBNN) cho người lao động. Việc tăng nhanh số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực mới, công nghệ hiện đại kéo theo gia tăng yếu tố có hại trong MTLĐ, gia tăng nhu cầu về lực lượng lao động; đòi hỏi cần nâng cao chất lượng công tác quan trắc MTLĐ, PCBNN để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Các yếu tố môi trường trong công việc có thể bao gồm khói, bụi, hóa chất, tiếng ồn, ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao hoặc thấp, độ ẩm, và các yếu tố vật lý khác. Những yếu tố này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh phổi, viêm mắt, bệnh da, và các vấn đề thần kinh khác. Đặc biệt, nhiều công việc đòi hỏi lao động phải tiếp xúc với các chất độc hại, gây ra nguy cơ cao cho các bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng như ung thư, bệnh phổi, tim mạch và các bệnh khác.
Việc thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ, yếu tố có hại nơi làm việc. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Việc quan trắc môi trường được thực hiện nhằm giúp người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động, giúp người lao động hiểu biết đầy đủ về môi trường làm việc của mình, tham gia giám sát chất lượng môi trường lao động và đòi hỏi quyền lợi khi bị ảnh hưởng, đây còn là dữ liệu khoa học giúp cho công tác nghiên cứu những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ của các tác hại nghề nghiệp, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn bệnh nghề nghiệp.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe và PCBNN cho người lao động được Ðảng, Nhà nước ta rất quan tâm. Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn đã được kịp thời ban hành và triển khai đến các cơ sở sản xuất. Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, PCBNN giai đoạn 2020-2030.
Trong đó nêu rõ quan điểm: Nhà nước giữ vai trò quản lý, xây dựng, hoàn thiện chính sách; tạo môi trường thuận lợi; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích hợp tác công tư, đầu tư tư nhân; Đầu tư toàn diện cho công tác dự phòng, điều trị theo phương châm dự phòng tích cực bệnh, tật tại nơi làm việc bằng kiểm soát, loại trừ yếu tố có hại trong MTLĐ, thay đổi nhận thức, hành vi của người lao động và người sử dụng lao động trong bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phát triển và duy trì thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ; phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
Quan trắc môi trường lao động nhằm kiểm soát các yếu tố gây hại tại nơi làm việc, đảm bảo chất lượng môi trường cho người lao động.
Môi trường lao động ở nước ta đã được từng bước cải thiện. Số lượng mẫu đo quan trắc MTLĐ hằng năm tăng gấp 2 so với giai đoạn 2010-2015 (khoảng 800.000 mẫu/năm giai đoạn 2016-2021). Tỷ lệ mẫu đo vượt tiêu chuẩn cho phép giảm (từ 10,25% năm 2015 xuống còn 5,56% năm 2021). Số người lao động được khám sức khỏe định kỳ hằng năm đạt trên 2 triệu lượt người. Trong 5 năm (2016-2021), số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng giảm so với giai đoạn 2010-2015. Xu hướng xã hội hóa trong công tác kiểm soát MTLĐ, PCBNN đã được triển khai từ năm 2011.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia hiệu quả của việc kiểm soát chất lượng môi trường lao động ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, thiếu các quy định về khám chữa bệnh ngoài giờ cho người lao động; đảm bảo chất lượng quan trắc MTLĐ; Công tác truyền thông, đào tạo, phổ biến chưa đầy đủ, phù hợp với các đối tượng khác nhau. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của hệ thống quản lý y tế lao động các cấp còn hạn chế, chưa thống nhất, chưa được cập nhật đủ các quy định hiện hành.
Thiếu nhân lực thanh tra, kiểm tra giám sát và thiếu sự phối hợp liên ngành. Việc thanh tra không báo trước chưa được thực hiện tại Việt Nam, do vậy kết quả thanh tra chưa được khách quan; Kết quả quan trắc MTLĐ và kết quả khám sức khỏe cho người lao động chưa phản ánh đúng thực tế do chưa có sự giám sát độc lập; Công tác quản lý sức khỏe, dữ liệu quan trắc MTLĐ, bệnh nghề nghiệp hiện chưa được thực hiện đầy đủ, còn thiếu chính xác, kịp thời.
Để góp phần giải quyết những tồn tại nêu trên, các giải pháp cần quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới bao gồm: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các luật có liên quan như Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế; ưu tiên các lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc MTLĐ, giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp; khám, chữa bệnh ngoài giờ cho người lao động; phòng, chống bệnh lây nhiễm tại nơi làm việc; chuẩn hóa cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị cho các đơn vị thực hiện kiểm chuẩn - tham chiếu.
Củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế lao động thông qua các hoạt động: Đào tạo nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; Củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, kiểm soát yếu tố có hại tại nơi làm việc; Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho hoạt động quan trắc MTLĐ, giám sát sức khỏe và kiểm chuẩn - tham chiếu; xây dựng các Trung tâm Kiểm chuẩn tại các vùng để đánh giá độc lập về MTLĐ; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học chuyên sâu có sự tham gia của các trường, viện, bệnh viện và cơ quan, tổ chức khác.
Xây dựng mô hình truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin; biên tập, xây dựng phim ngắn và quảng cáo đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội để tăng khả năng tiếp cận. Thiết lập hệ thống giám sát, dữ liệu ở các địa phương và trên toàn quốc về sức khỏe người lao động, MTLĐ, bệnh nghề nghiệp; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giám sát, báo cáo MTLĐ và bệnh nghề nghiệp tại các tuyến.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành; nâng cao chất lượng, phối hợp liên ngành, đa dạng nguồn lực trong quan trắc MTLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác toàn diện với Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế và các tổ chức khác. Nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện các quy định về vệ sinh lao động, quan trắc MTLĐ và bệnh nghề nghiệp. Tăng cường giám sát, đánh giá độc lập, đảm bảo chất lượng quan trắc MTLĐ.
Các địa phương trên cả nước tăng cường công tác quan trắc môi trường lao động, phòng ngừa nguy cơ gây các bệnh nghề nghiệp. Ảnh: ĐNO.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hàng năm tăng 5% doanh nghiệp quan trắc môi trường lao động. Trung bình hàng năm tăng thêm 5% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề ngiệp; tăng thêm 5% doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động. Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; trên 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Mục tiêu này được triển khai ở tất cả các ngành nghề, người làm công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và làng nghề.
TP.HCM cũng đang triển khai các giải pháp nhằm, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của TP. Theo đó, thành phố hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, tham gia góp ý, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn, vệ sinh lao động; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn, vệ sinh lao động; tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp và hướng dẫn điều trị các bệnh nghề nghiệp; Tham gia rà soát, đề xuất chính sách phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tham gia góp ý kiến, xây dựng bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp trong tình hình mới (tiêu chuẩn chẩn đoán và giám định); quản lý về an toàn lao động trong sử dụng thang máy.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện và đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chuẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Lê Thành
Bình luận