Hotline: 0941068156
Thứ tư, 21/05/2025 00:05
Thứ ba, 20/05/2025 16:05
TMO - Mới đây, tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, long trọng tổ chức lễ công nhận quần thể 108 cây thông hai lá dẹt là Cây Di sản Việt Nam.
Thông hai lá dẹt có tên khoa học Pinus krempfii H. Lec là một loài thực vật đặc hữu, quý hiếm chỉ có ở cao nguyên Langbiang và vùng phụ cận, và được các nhà thực vật học xem như là “sứ giả đến từ thời tiền sử”.
Quần thể 108 cây Thông hai lá dẹt được công nhận lần này nằm tại khoảnh 3, 4, 5 tiểu khu 89 và khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 90 thuộc lâm phần quản lý của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, địa giới hành chính thuộc xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, các cây có tuổi đời trung bình từ 700 đến khoảng 1.000 năm, cao từ 35–40 mét, được xem là quần thể thông hai lá dẹt lớn nhất tại Việt Nam và thế giới hiện nay.
Buổi lễ đón Bằng và Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam được tổ chức ngay dưới những tán cây Thông hai lá dẹt cổ thụ ở rừng của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Buổi lễ công nhận quần thể Cây Di sản có sự tham gia của đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Lạc Dương cùng đông đảo cán bộ của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và nhân dân địa phương.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (áo trắng) trao Bằng, Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam cho Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết: Danh hiệu Cây Di sản Việt Nam không chỉ tôn vinh giá trị của loài cây cổ thụ quý hiếm mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, gìn giữ nguồn gen quý hiếm, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.
Các vị đại biểu mở văn bia Cây Di sản.
Được sự ủy quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng gửi lời cảm ơn Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã quan tâm và trao tặng danh hiệu Cây Di sản đầu tiên cho tỉnh Lâm Đồng.
Đây là nguồn động viên to lớn để chính quyền, nhân dân và các lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh tiếp tục kiên trì gìn giữ và phát huy những giá trị sinh thái quý báu cho các thế hệ mai sau. Danh hiệu Cây Di sản Việt Nam không chỉ tôn vinh giá trị của loài cây cổ thụ quý hiếm, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.
Tại sự kiện, lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng bày tỏ niềm vui và vinh dự khi quần thể thông hai lá dẹt được bảo vệ, gìn giữ đang phát triển và sinh trưởng rất tốt tại Vườn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại gốc Cây Di sản.
Đây không chỉ là niềm vinh dự cho Vườn, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị của những báu vật thiên nhiên mà chúng ta đang nỗ lực gìn giữ. Với cán bộ, viên chức nơi đây, thông hai lá dẹt không chỉ là loài cây quý hiếm, mà còn là biểu tượng linh thiêng gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh, văn hóa của cộng đồng bản địa.
Một trong số những cây thông hai lá dẹt Di sản.
Đối với cộng đồng người K'Ho bản địa, thông hai lá dẹt không chỉ là loài cây quý hiếm mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của họ. Việc công nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam cho quần thể này không chỉ tôn vinh giá trị sinh học và văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái bền vững tại địa phương.
Các đại biểu trồng thêm cây thông hai lá dẹt.
Ngay sau lễ đón nhận danh hiệu Cây Di sản, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã phát động trồng thêm 30 cây thông hai lá dẹt cùng 500 cây thông ba lá và năm lá do vườn tự nhân giống, nhằm bổ sung và bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loài cây này.
Trong thời gian tới, Ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ phối hợp với các tổ chức khoa học và cộng đồng địa phương tăng cường các hoạt động bảo vệ, theo dõi sự phát triển tự nhiên của quần thể thông hai lá dẹt, đồng thời nghiên cứu nhân giống loài này để phục hồi trong một số khu vực rừng bị suy thoái.
Việc công nhận Cây Di sản không chỉ nhằm bảo vệ loài thực vật quý hiếm, mà còn góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là bước tiến cụ thể trong nỗ lực giữ gìn những giá trị thiên nhiên độc đáo của Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
THU PHƯƠNG
Bình luận