Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Chủ nhật, 12/02/2023 21:02
TMO - Quá trình phát triển kinh tế-xã hội đang tạo ra áp lực lớn đối công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thúc đẩy tái chế chất thải rắn sẽ góp phần giúp địa phương này giữ vững các mục tiêu về môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã diễn ra tình trạng chôn lấp, đổ chất thải trái phép, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong một số lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, khoáng sản... không đúng quy định. Một số dự án đầu tư xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện việc quản lý chất thải rắn không theo đúng hồ sơ môi trường đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, xác nhận, dẫn đến việc phát tán chất thải làm ảnh hưởng đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường cục bộ.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương chủ động thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trình UBND tỉnh quyết định vị trí, ranh giới, diện tích và hoạt động của các điểm đổ chất thải rắn theo quy định của UBND cấp huyện sau khi Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt; thẩm định nội dung về quản lý chất thải rắn trong hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền; chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nghiêm công tác quản lý chất thải rắn theo quy định trong quá trình thực hiện các dự án phát triển quỹ đất do đơn vị làm chủ đầu tư.
Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn lập và và xây dựng các điểm đổ chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; Hướng dẫn sử dụng chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng khi đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quản lý các tổ chức, cá nhân là chủ các dự án đầu tư bao gồm: đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, phá dỡ... phải thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trong hoạt động xây dựng; chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hồ sơ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không để xảy ra tình trạng rơi vãi trong vận chuyển, đổ chất thải không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.
Chất thải rắn được thu gom, tái chế sản xuất thành phân vi sinh, hạt nhựa, tái sử dụng cho sản xuất. Ảnh: TN
Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc sử dụng chất thải rắn làm nguyên, vật liệu trong công trình giao thông, bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hướng dẫn các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình giao thông, bao gồm xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, nạo vét đường thủy nội địa... do sở GTVT quản lý thực hiện quản lý chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hồ sơ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép, đăng ký theo quy định. Không để xảy ra tình trạng rơi vãi trong vận chuyển, đổ chất thải không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc BVTV, thuốc thú y... trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý vỏ bao đựng hoặc sản phẩm đã hết hạn sử dụng thuộc nhóm chất thải thông thường. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thực hiện quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý phân, xác vật nuôi chết (không do dịch bệnh) trong hoạt động chăn nuôi.
Đồng thời, hướng dẫn việc quản lý, thu gom, xử lý bùn thải từ nạo vét kênh mương, công trình thủy lợi, việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất viên nén năng lượng... việc thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc đốt các phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
UBND cấp huyện trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt xác định ranh giới, vị trí, diện tích xây dựng các điểm đổ chất thải rắn, hoạt động các điểm đổ chất thải rắn trên địa bàn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; lập dự án đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các điểm đổ chất thải rắn trên địa bàn theo quy định; Tăng cường hoạt động thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của chủ đầu tư dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm công nghiệp, làng nghề, tổ chức, cá nhân nhất là các hoạt động đào đắp đất, san tạo mặt bằng, phá dỡ công trình, chăn nuôi gia súc, sử dụng hóa chất, thuốc BVTV...
Kiên quyết ngăn chặn tình trạng làm rơi vãi chất thải rắn trong quá trình vận chuyển; tình trạng đổ chất thải không đúng vị trí đổ thải quy hoạch, hoặc vị trí, địa điểm do chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án quy định hoặc theo hồ sơ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ngăn chặn tình trạng chôn lấp chất thải rắn công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nguy hại. Tăng cường rà soát, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra hành vi đốt chất thải rắn công nghiệp, nơi có thể chôn lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp, nông nghiệp... trái phép.
Tỉnh Yên Bái triển khai các giải pháp trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt với việc vận hành các lò đốt rác theo tiêu chuẩn. Ảnh: BYB
Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng đồng thời là một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh Yên Bái ưu tiên các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả. Theo Đề án tăng cường năng lực quản lý (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2311/QĐ-UBND, giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư 13 lò đốt CTRSH phân đều tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh bằng nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 93,4% và khu vực nông thôn đạt trên 51,2%.
Thời gian qua, với việc triển khai Đề án tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 88,8%, ở khu vực nông thôn đạt trên 33,7% (hoàn thành mục tiêu theo Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái); 1 lò đốt CTRSH cụm xã được đầu tư và đi vào hoạt động (tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên); đang triển khai đầu tư xây dựng 2 lò đốt CTRSH cụm xã tại huyện Yên Bình (xã Vĩnh Kiên, xã Cảm Nhân).
Các lò đốt CTRSH còn lại sẽ triển khai trong 2 năm 2023 - 2024 theo Quyết định số 1911/QĐ-UBND ngày 21/10/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các dự án cấp bách, ưu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, có 8 lò đốt đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước (tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải và Trạm Tấu), dự kiến hoàn thành trong năm 2023, 2024.
Hoàng Hải
Bình luận