Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 15:11
Thứ năm, 23/06/2022 09:06
TMO – Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về hạ tầng, không gian, đóng vai trò là hạt nhân động lực phát triển. Tuy nhiên, chất lượng đô thị hóa hiện nay còn chưa cao, phát triển chủ yếu theo chiều rộng, gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường vẫn đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực cho người dân và xã hội.
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực đầu tư; phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành đô thị nhanh chóng, trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, lối sống theo văn minh đô thị...Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đô thị hiện nay còn khá phổ biến với quan điểm “năng lực tự nhiên” hơn là “năng lực cần được bồi đắp.” Không gian chung đô thị chưa được quan tâm, phát triển và định hướng quản lý một cách thỏa đáng; chưa hình thành được nhận thức chung trong cộng đồng về trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, không gian chung đô thị cũng như tạo ra các giá trị kinh tế đô thị gia tăng.
Ngập và ùn tắc là 2 vấn đề gây nhức nhối tại các thành phố lớn. Ảnh: Đỗ Quân
Trước thực trạng nêu trên, giới chuyên gia cho rằng, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý đô thị cần tiếp tục phải đổi mới tư duy, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian, thời gian trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Trong số đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích công cộng là những nội dung phải được quan tâm. Đặc biệt, để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh thì từ khâu quy hoạch chung, chi tiết đến quá trình triển khai xây dựng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh; không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phá vỡ quy hoạch chung.
Theo một số chuyên gia, để phát triển đô thị bền vững, trước tiên cần phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ thực tế về không gian mở, không gian ngầm, đô thị ngầm, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thoát nước; tránh tình trạng tư duy “lãng mạn”, vẽ thật đẹp, nói thật hay nhưng không thực tế, không có tính khả thi. Ngoài ra, để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh, thời gian tới cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị.
Bên cạnh đó là thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ.
Quốc Dũng
Bình luận