Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ hai, 21/10/2024 14:10
TMO - Tại Nam Trung Bộ – khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ, việc phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn được xem là yếu tố quan trọng nhằm duy trì sinh kế bền vững cho người dân ven biển và bảo vệ các công trình hạ tầng.
Rừng ngập mặn là một sinh cảnh có khả năng thích nghi đặc biệt và là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đối với nhân dân vùng ven biển. Rừng ngập mặn không những cung cấp các lâm sản có giá trị như than, củi, gỗ, tannin, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… mà còn là sinh cảnh của nhiều loại hải sản, chim nước, chim di cư và một số động vật có giá trị khác.
Rừng ngập mặn được xem là “lá chắn xanh” bảo vệ các khu dân cư và công trình ven biển khỏi sóng lớn và triều cường. Hệ sinh thái này không chỉ làm giảm sức mạnh của sóng, mà còn ngăn chặn sự xâm lấn của biển gây xói mòn đất, che chở cuộc sống của hàng triệu người dân khu vực này. Những khu vực có rừng ngập mặn phát triển tốt thường giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, các hệ sinh thái này mang lại lợi ích kinh tế lớn thông qua khai thác nguồn lợi thủy sản và mô hình nuôi trồng dưới tán rừng, cung cấp sinh kế ổn định cho cộng đồng địa phương.
Do vị trí của rừng ngập mặn sát biển, nên đây là hệ sinh thái chịu tác động đầu tiên từ biến đổi khí hậu. Nhiều diện tích rừng không thích ứng kịp đã bị chết hoặc suy giảm sức sống. Các chức năng ưu việt của rừng ngập mặn như phòng hộ đê biển, bảo vệ môi trường sống... bị suy giảm.
Các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, với tiềm năng phát triển các ngành nghề du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hàng hải và ngành công nghiệp chế xuất. Đây cũng là khu vực thường xuyên chịu các tác động thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán. Trong khi đó, dưới tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, hoạt động phát triển kinh tế, diện tích và chất lượng rừng ngập mặn của khu vực đã bị giảm sút, không còn đáp ứng đầy đủ khả năng phòng hộ ven biển.
Trước thách thức trên, việc phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ được coi là nhiệm vụ quan trọng để các địa phương này nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, đồng thời phát huy giá trị kinh tế từ hệ sinh thái rừng ngập mặn đem lại.
Rừng ngập mặn tại đầm Thị Nại (Bình Định) không chỉ giữ vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai mà còn được khai thác hiệu quả thông qua phát triển du lịch. Ảnh: HM.
Tại tỉnh Bình Định, diện tích rừng ngập mặn chủ yếu ở đầm Thị Nại và đầm Ðề Gi vốn rất lớn với hơn 1.000 ha. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do quá trình đô thị hóa, diện tích rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng, kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường sinh thái, hậu quả nặng nề của thiên tai, xâm nhập mặn, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản...
Nhận thấy vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ năm 2003 đến nay tỉnh Bình Định thực hiện nhiều giải pháp để nhằm phục hồi và phát triển rừng. Đây là nội dung ưu tiên của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã triển khai mang lại hiệu quả tại các địa phương ven biển.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT tỉnh) đã tuyển chọn, ương gieo và hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có gần 90 ha rừng trồng mới ven các ao hồ nuôi trồng thủy sản, vùng bãi bồi ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lở và phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục ký hợp đồng khoán bảo vệ với hộ nhận khoán và tổ chức trồng cây phân tán. Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong cắm cọc, quây lưới trái phép.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc người dân tham gia bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng.
Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tập trung huy động và đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác khôi phục, bảo vệ và phát triển diện tích rừng ven biển. Từ năm 2021 - 2023, hơn 2.300ha rừng ven biển được khôi phục, quản lý bảo vệ và phát triển; trong đó có 1.300ha rừng phòng hộ và rừng ngập mặn, tập trung ở TX.Đức Phổ (gần 560ha) và huyện Mộ Đức (gần 460ha), Bình Sơn (gần 200ha).
Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”, cũng như hoàn thành mục tiêu khôi phục và trồng mới 1.300ha rừng ven biển trong năm 2024, Sở NN&PTNT triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo và sản xuất các giống cây phù hợp gắn với hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, phục vụ công tác quản lý và giám sát. Phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng ven biển để cộng đồng, người dân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa, gắn với hình thành tổ quản lý rừng cộng đồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của rừng để phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế cho người dân...
Việc phục hồi, phát triển rừng ngập mặn được các địa phương khu vực Nam Trung Bộ chú trọng triển khai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tại các địa phương đã mang lại các hiệu quả kép như giảm thiểu xâm thực và sạt lở bờ biển, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Cũng như làm giảm phát thải khí nhà kính (là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu) và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương ven biển, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Để phục hồi cũng như phát triển rừng ngập mặn bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia khuyến nghị các giải pháp phục hồi rừng cần được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Lựa chọn những loại cây chịu ngập tốt, có thể phát triển ngay cả ở vùng đất thiếu dinh dưỡng với các biện pháp ngăn xói mòn bề mặt, giúp cải thiện điều kiện sinh trưởng cho rừng mới. Ngoài ra, người dân địa phương có thể vừa trồng rừng vừa phát triển kinh tế thông qua mô hình kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng, mang lại sinh kế bền vững.
Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với người dân và doanh nghiệp trong quản lý, bảo vệ rừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và lợi ích của rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, không chỉ mang giá trị văn hóa sâu sắc đối với cộng đồng địa phương mà rừng ngập mặn còn mở ra tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái.
Trong những năm qua, Việt Nam đã phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn. Đây là con số cho thấy những nỗ lực bảo vệ rừng ngập mặn của Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, rừng ngập mặn có tác dụng duy trì cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là vai trò phòng hộ của rừng ngập mặn như bức tường xanh vững chắc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở và các tác hại của bão lụt. Nhờ hệ thống rễ chằng chịt của các loài cây rừng ngập mặn đã giữ lại trên bề mặt các trầm tích, góp phần mở rộng thể nền ra phía biển; hấp thụ chất ô nhiễm, kim loại nặng từ các cửa sông đổ ra biển, bảo vệ sinh vật vùng ven bờ, bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tại Quyết định số 896/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu tăng cường bảo vệ, phục hồi và nâng cao chất lượng của rừng phòng hộ ven biển nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường và thiên tai ngày càng khắc nghiệt, việc phục hồi, phát triển rừng ngập mặn đang trở thành nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương cần chú trọng triển khai.
Ngọc Anh
Bình luận