Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 12/06/2024 14:06
TMO - Thời gian qua, ngành nông nghiệp Phú Yên đã hướng dẫn triển khai đến các chủ rừng, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển rừng bền vững, qua đó khai thác, phát huy hiệu quả giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Phú Yên có diện tích tự nhiên là 502.596,03 ha, diện tích có rừng 253.671,95 ha, trong đó, rừng tự nhiên là 126.974,68 ha, rừng trồng là 126.697,27 ha (bao gồm 3.012,19 ha rừng cao su). Mặc dù kết quả trồng rừng của các doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng sản xuất lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Diện tích rừng trồng gỗ lớn còn hạn chế, đạt khoảng 2.553,57 ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC: 11.757,85 ha; diện tích rừng trồng khai thác bình quân năm: 3.500 ha/năm, sản lượng khai thác bình quân năm trên 300.000 m3/năm.
Bên cạnh đó, việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp còn hạn chế; cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân. Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, hiện chưa trồng rừng khoảng 55.400 ha, người dân trồng rừng ở địa hình đồi dốc cao, chưa được đầu tư để phát triển rừng.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động chế biến gỗ rừng trồng đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ chế biến chưa sâu, chủ yếu sản xuất sản phẩm thô tiêu thụ thị trường nội địa là chính, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh không trực tiếp xuất khẩu, chỉ một số ít ủy thác xuất khẩu, nhưng chủ yếu các loại sản phẩm là dăm và viên nén. Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu sau khi khai thác, vận chuyển đến nhà máy thấp, chi phí lại cao nên rất khó khăn trong tiêu thụ đầu ra của sản phẩm.
Theo đánh giá của ngành chức năng, ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Yên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Tỉnh Phú Yên có đa dạng thảm thực vật, đa dạng loài thực vật bậc cao, bảo tồn được 18 nguồn gen cây dược liệu quý. Nhiều loài dược liệu là đặc hữu của Phú Yên như Cam thảo Đá Bia và dược liệu quý hiếm trên thế giới như: Xáo tam phân, Bá bệnh, Mã tiền, Ba gạc lá to, Ba gạc lá nhỏ, Vàng đắng, Hoằng đằng, Bình vôi, Sâm cau… Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Quế, Ba kích, Sa nhân tím, Sa nhân đỏ…
Tuy nhiên, Phú Yên chưa phát huy được tiềm năng lớn, lợi thế lớn của mình. Hiện nay, do nhân sự bảo vệ rừng mỏng, bà con nông dân gần rừng còn khó khăn, phương thức khai thác nông lâm sản trên rừng còn lạc hậu dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu quý (như cam thảo đá bia, lan kim tuyến), hoặc xu hướng khai thác hủy diệt làm giảm trữ lượng lâm sản ngoài gỗ (như việc đốt, chặt gốc cây đác để khai thác hạt) cũng làm ảnh hưởng đến nguồn lâm sản ngoài gỗ trong các khu rừng. Qua đó cho thấy ngành lâm nghiệp Phú Yên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, địa phương này đặt mục tiêu phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 240 nghìn m3/năm; đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm.
Phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng trồng dược liệu lên khoảng 20.000 ha; giá trị thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tăng tối thiểu 2 lần trên một đơn vị diện tích so với năm 2020; 100% diện tích trồng dược liệu được tiêu chuẩn hóa, cấp mã số và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vùng trồng. Thực hiện sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp đối với khu vực phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt.
Phát triển dịch vụ môi trường rừng, phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm. Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng, gây trồng và phát triển dược liệu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình…
Tỉnh Phú Yên triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng (Ảnh minh họa).
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai một số nhiệm vụ, cụ thể: Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; dịch vụ môi trường rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động như: Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Bảo tồn, phát triển, khai thác, chế biến, thương mại bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương sống gần rừng. Phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp, mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp bền vững, hiệu quả. Phát triển thương hiệu sản phẩm; giới thiệu thông tin về chính sách, khoa học, kỹ thuật, thị trường trong nước và quốc tế của các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, du lịch và các dịch vụ môi trường rừng.
Đồng thời triển khai các hoạt động về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; dịch vụ bảo vệ, duy trì cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định. Thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia các dự án phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng, thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng và triển khai các quy định, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch. Chỉ đạo các Ban quản lý rừng chủ động phối hợp Các ngành của huyên, thị xã, thành phố Tuy Hòa và UBND các trong việc kiểm tra, rà soát vị trí, đo đạc diện tích, kê khai hiện trạng sử dụng đất, đăng ký đất đai của đơn vị để trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Rà soát, bổ sung phương án quản lý rừng bền vững phù hợp với quy định pháp luật và các chương trình, kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Mở rộng các nguồn thu từ rừng, tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục chất lượng của các khu rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðây là một hướng đi quan trọng nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trong điều kiện hiện nay. Tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Ðề án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương chủ động thực hiện một số nhiệm vụ như: phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trong đó, phát triển dịch vụ môi trường rừng là đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.
Nghiên cứu, thể chế hóa các quy định về áp dụng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực mà rừng mang lại, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường quản lý, hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng; đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng người dân địa phương…/
Hồng Ngát
Bình luận