Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 13:11
Thứ sáu, 02/02/2024 11:02
TMO - Lễ cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh. Tiễn ông Táo về chầu trời, chia tay mọi vất vả, muộn phiền của năm cũ khiến cho tâm của mỗi người trở nên thanh thản, nhẹ nhõm hơn để sẵn sàng tâm thế bước vào một năm mới bình an và hạnh phúc.
Nét văn hóa đẹp
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục đẹp có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc. Đây là những vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép những việc trong năm, để đến ngày 23 tháng Chạp, các thần sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo những việc tốt, xấu của gia đình. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công, ông Táo là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó, ý chí kiên trì chinh phục thử thách để đi đến thành công.
Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách thành kính, trang nghiêm. Đây cũng là một trong những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, ngoài việc chuẩn bị đón chào một năm mới với nhiều kỳ vọng, hoạt động này còn là để nhìn lại một năm cũ cho chặng mới tốt đẹp hơn.
Không nên đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, bừa bãi trong các hoạt động tâm linh. Ảnh minh họa.
Trào lưu và “méo mó”
Theo các chuyên gia văn hóa, cúng tiễn ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào Tết. Ngày xưa gọi là tiễn Táo quân về trời. Ngày nay, người dân gọi bằng Tết ông Công, ông Táo. Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, cung cấp sự sống cho con người bằng việc sưởi ấm, đun chín thức ăn. Đó cũng là hình tượng trong cõi tâm linh về ông Vua Bếp. Sau này, dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa, dân gian mới sáng tạo ra câu chuyện "hai ông, một bà" nhưng vẫn có ý nghĩa mong muốn một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng rực lửa.
Quan niệm rằng, vì quanh năm ở trong bếp nên Táo quân biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của mọi người. Vì thế, để Vua Bếp “phù hộ” nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta làm lễ tiễn đưa Táo quân về chầu Ngọc Hoàng trong phạm vi gia đình, với mâm cỗ mặn, trầu cau, rượu trắng, hương, đèn, nến, hoa, quả tươi và đặc biệt không thể thiếu hai mũ cánh chuồn cho Táo Ông và một mũ không có cánh chuồn cho Táo Bà, ba cái áo bằng giấy, cá chép giấy để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Trên Thiên đình, Táo quân sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới trong năm qua. Đấy là cách để giữ được mối gắn bó giữa con người với con người, cuộc sống quanh mình, tính chịu trách nhiệm về cử chỉ, hành động, công việc của mình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phong tục truyền thống tốt đẹp đó đang bị hiểu sai, ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai và bị “biến tướng” về tư duy văn hóa. Từ việc cúng tiễn Táo quân với mâm cỗ mặn, trầu cau, rượu trắng, hương hoa, thì nay nhiều gia đình mua sắm đủ các loại hàng mã, nào quần, áo, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả máy bay…“đút lót” cho Táo quân để Táo quân “nương tay”, “báo cáo” với Ngọc Hoàng xin cho nhiều lộc, nhiều tiền, được thăng quan, tiến chức... Trước đây, người ta cúng con cá chép giấy để Táo quân làm phương tiện lên chầu trời, thì bây giờ người ta cúng cá sống. “Biến tướng” hơn, cá chép được thay bằng cá vàng.
Cũng vì cái sự đổi mới đó mà giờ đây, khi cúng xong người ta cẩn thận mang con cá ra sông, ra hồ để thả; tro đốt hàng mã quần áo, mũ của Táo ông, Táo bà cũng phải mang ra sông, hồ để đổ. Nhiều người thản nhiên vứt cả túi nilong đựng cá ném từ cầu xuống sông. Nhiều chú cá chưa kịp sống đã chết cứng đơ vì rơi từ độ cao hàng chục mét. Đáng lo ngại, sau lễ phóng sinh, không ít sông hồ tràn ngập túi nilong, giấy rác, tro bụi làm mất mỹ quan, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Các chuyên gia cho rằng, gìn giữ bản sắc văn hoá là việc làm tốt đẹp, nhưng vì nó mà tốn kém lãng phí và đặc biệt việc vứt rác thải làm mất vệ sinh môi trường thì đó là việc khó có thể chấp nhận. Bên cạnh đạo lý của dân tộc là sự giản dị, tinh khiết, đừng sa hoa, sa xỉ quá nhiều, đừng nên bắt chước nhau tạo thành trào lưu trên vô thức. Tất cả mọi việc là nhờ thành tâm chứ không phải do mâm cao cỗ đầy mới tỏ lòng thành. Mọi phước đức dày hay mỏng, nhiều hay ít mà gia chủ có được là do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà như thế nào.
Chúng ta nên là những người hiểu đạo lý một cách sáng suốt, không nên cổ súy và hùa theo những thói mê tín dị đoan cổ hủ, lỗi thời. Tín ngưỡng dân gian giúp đời sống văn hóa của chúng ta thêm phong phú nhưng quan trọng hơn cả chúng ta cần phải hiểu giá trị, ý nghĩa thực sự của các ngày Tết, lễ hội để tránh những tư tưởng sai lệch, thiếu khoa học. Dù Tết to hay Tết nhỏ, giản dị hay linh đình, Tết nhà nào cũng nổi lửa. Hãy sống vui, sống thiện, chăm chỉ lao động, để cuối năm thanh thản, ăn Tết an vui và đón năm mới nhiều hy vọng.
VŨ MINH
Bình luận