Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Chủ nhật, 04/09/2022 05:09
TMO - Công trình nạo vét đảm bảo giao thông bãi cạn khu vực sông Bảy Hạp (Cà Mau) từ Km12+000 đến Km25+150 vừa được cơ quan chức năng phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Dự án do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là chủ dự án, thực hiện tại 5 xã Quách Phẩm Bắc, Trần Phán (huyện Đầm Dơi), Đông Thới, Đông Hưng, Tân Hưng (huyện Cái Nước), tỉnh Cà Mau. Theo đó, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đối với luồng đường thủy nội địa Sông Bảy Hạp đoạn nạo vét từ Km12+000 đến Km25+150, tổng chiều dài nạo vét trên tuyến luồng là 13,15km. Tổng khối lượng nạo vét hơn 162.697m3. Đối với hạng mục bãi chứa chất nạo vét, gồm hai bãi chứa.
Bãi chứa số 1 tại ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau; Vị trí khu đất tại Km 3+300 kênh Lương Thế Trân, cách bờ kênh Lương Thế Trân trung bình 265m, cách rạch Nàng Âm 70m. Bãi chứa có tổng diện tích khoảng 9,63ha, với sức chứa khoảng 94.336m3. Bãi chứa số 2 tại ấp Trung Cang, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau với diện tích 4,7ha, sức chứa khoảng 68.360m3.
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường công trình nạo vét đảm bảo giao thông bãi cạn khu vực sông Bảy Hạp (Cà Mau)
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, hiện trạng bãi chứa chất nạo vét chủ yếu là ao hồ, bãi đất trống chưa có bờ bao xung quanh. Do vậy cần tiến hành xây dựng đê bao, đê ngăn và cửa xả nước. Kết cấu đê bao, đê ngăn là đất đắp, đất được đào tại chỗ, mặt đê phía trong bãi chứa được phủ một lớp vải PVC.
Đối với nạo vét luồng, thi công nạo vét bằng 5 máy đào gầu dây (xáng cạp) dung tích gầu 2,3m3 đưa chất nạo vét lên 10 sà lan 400 tấn, vận chuyển với khoảng cách trung bình đến bãi chứa số 1 khoảng 16km và đến bãi chứa số 2 trung bình khoảng 10,3km; Sử dụng 3 tàu hút < 1.000 CV (hoặc thiết bị hút phun có công suất, năng suất tương đương) phun lên bãi chứa.
Cục Đường thủy nội địa VN đã đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án. Đối với nước từ bãi chứa chất nạo vét sẽ thi công tạo đê bao, đê ngăn, cửa xả bãi chứa chất nạo vét theo đúng thiết kế bản vẽ thi công được duyệt. Đồng thời sử dụng tàu hút phun đúng số lượng, chủng loại, công suất được duyệt.
Đối với nước thải từ các phương tiện thủy tham gia thi công được trang bị nhà vệ sinh và được kiểm tra, chứng nhận về phòng ngừa ô nhiễm môi trường; Đối với nước thải từ quá trình tắm giặt, rửa tay, ăn uống: thu gom, lọc tách rác trước khi xả vào nguồn tiếp nhận; Rác sau khi tách phải được thu gom, lưu giữ, xử lý...
Với nước tràn từ khoang chứa chất nạo vét của các sà lan sử dụng máy đào gầu dây và sà lan đúng số lượng, chủng loại, công suất được duyệt. Đối với dầu thải, nước lẫn dầu, phương tiện thủy tham gia thi công được bố trí thùng chứa, két chứa và được kiểm tra, chứng nhận về phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Thực hiện chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định...
Để đảm bảo những yêu cầu về bụi, khí thải, phương tiện thủy và thiết bị, máy móc sử dụng trong thi công đúng số lượng, chủng loại, công suất được duyệt và được kiểm tra, chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải đồng thời phê duyệt phương án bảo vệ môi trường trong thu gom, lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải nguy hại. Theo đó, đối với dầu thải, nước lẫn dầu: phương tiện thủy tham gia thi công được bố trí thùng chứa, két chứa và được kiểm tra, chứng nhận về phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của QCVN 17:2011/BGTVT/SĐ2:2016.
Đối với giẻ lau dính dầu yêu cầu trang bị 01 thùng chứa loại 50 lít màu đen hoặc màu vàng trên từng phương tiện thủy tham gia thi công; dán nhãn cảnh báo tiêu chuẩn theo quy định và bố trí thùng chứa tại vị trí có mái che. Thực hiện chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các phương án về đảm bảo chất lượng môi trường trong quá trình triển khai dự án đặc biệt được chú trọng
Ngoài ra, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tiến ồn trong quá trình thi công cũng được chú trọng triển khai. Cụ thể, phương tiện thủy và thiết bị, máy móc sử dụng trong thi công đúng số lượng, chủng loại, công suất được duyệt và được kiểm tra, chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Tuân thủ biện pháp tổ chức thi công theo thiết kế bản vẽ thi công được duyệt.
Nhằm hạn chế tối đa những tác động tới môi trường trong quá trình thi công báo cáo đánh giá tác động môi trường công trình nạo vét trên cũng đề cập đến các phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
Theo đó, đối với sự cố tràn dầu, phương tiện thủy tham gia thi công có đủ năng lực ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; bố trí gờ quây gom dầu cho két chứa, máy, thiết bị, khu vực bảo dưỡng... có sử dụng/phát sinh dầu trên mặt boong phương tiện. Thỏa thuận với đơn vị có chức năng ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn trước khi thi công công trình để phối hợp khi xảy ra sự cố tràn dầu.
Đối với các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố đê bãi chứa, đơn vị quản lý cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tình trạng đê bao, đê ngăn, mực nước trong bãi chứa để có biện pháp gia cố phù hợp. Trong trường hợp xảy ra sự cố đê bao bãi chứa: dừng thi công; gia cố đê bao bảo đảm yêu cầu của thiết kế bản vẽ thi công; báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan chấp thuận trước khi tái thi công.
Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sạt lở, hư hỏng các công trình dọc hai bên tuyến luồng cần sử dụng tàu hút phun, máy đào gầu dây, sà lan và tàu kéo đúng số lượng, chủng loại, công suất được duyệt. Giám sát đường bờ và công trình hai bên bờ kênh trên đoạn tuyến nạo vét trước khi thi công và trong suốt thời gian thi công.
Trường hợp xảy ra sạt lở, hư hỏng công trình hoặc tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, hư hỏng công trình phải dừng thi công và phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp khắc phục phù hợp; đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bích Hà
Bình luận