Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ tư, 11/10/2023 05:10
TMO - Những năm gần đây, các tour du lịch ruộng bậc thang đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch phổ biến ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc. Những giá trị văn hóa độc đáo và riêng có này đã mở ra nhiều cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch tại các địa phương.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác ruộng bậc thang từ trước đến nay đã góp phần ổn định lương thực, xuất khẩu hàng hóa cho các địa phương. Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã gắn với đó để phát triển du lịch. Đây là hướng đi đúng góp phần cải thiện đời sống đồng bào, mở rộng hợp tác, rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh miền núi với miền xuôi, hòa mình vào thế giới rộng lớn để khẳng định mình, tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của mình.
Tây Bắc được biết đến là khu vực có ruộng bậc thang nhiều và đẹp nhất ở nước ta, trong đó tập trung tại các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai; trong đó, ba địa danh là huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) gần 765 ha và Sa Pa (Lào Cai) gần 1.000 ha đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng với đặc thù địa hình núi đất có độ dốc lớn, ruộng bậc thang Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm như: bay dù lượn, khinh khí cầu, trực thăng; trekking, marathon, xe môtô, ôtô, xe đạp địa hình... theo những cung đường uốn lượn quanh ruộng bậc thang.
Hầu hết các địa phương đang tập trung khai thác du lịch ruộng bậc thang vào hai mùa chính trong năm là “mùa nước đổ” (mùa trắng) vào khoảng tháng 4-5, và “mùa lúa chín” (mùa vàng) vào khoảng tháng 9-10. Các lễ hội ruộng bậc thang tổ chức tại nhiều tỉnh, trong đó hoạt động trải nghiệm dù lượn bay trên mùa vàng Mù Cang Chải thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách...
Tỉnh Hà Giang đã phát huy những tiềm năng văn hóa, danh thắng của những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng tại huyện vùng cao Hoàng Su Phì để phát triển kinh tế du lịch. Từ năm 2012 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức định kỳ hằng năm chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” với nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa. Năm nay, tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” được huyện Hoàng Su Phì tổ chức từ ngày 16/9 đến cuối tháng 9 với nhiều hoạt động đặc sắc.
Cùng thời gian này, Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng năm 2023" vừa được khai mạc tại bản Lìm Mông, xã Cao Phạ, Yên Bái. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động du lịch mùa vàng năm 2023. Tháng 9 là lúc Mù Cang Chải vào thời điểm đẹp nhất trong năm - mùa lúa đổ vàng trên những thửa ruộng bậc thang.
Ruộng bậc thang mùa lúa chín tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái trở thành điểm đến thu hút du khách. Ảnh: BK.
Tháng 9 vừa qua, các địa phương đã công bố hai sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023: “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” kết nối Hà Nội-Phú Thọ-Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái)-Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu)-Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai)-Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang); và “Hùng vỹ Tây Bắc” kết nối Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên-Lai Châu-Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai)-Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Hai sản phẩm chuyên đề này được đánh giá khả thi và có tiềm năng khai thác cao, góp phần hình thành thương hiệu điểm đến vùng Tây Bắc. Đây cũng là tiền đề cho các địa phương trong vùng và doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và phát triển thêm những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn gắn với yếu tố văn hóa bản địa.
Trao đổi tại Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” vừa diễn ra tại Hà Giang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu (Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội) nhận định: Hiện nay, thời gian khai thác du lịch ruộng bậc thang mới đang tập trung vào hai mùa chính trong năm là “Mùa trắng-Mùa nước đổ” (khoảng tháng 4, tháng 5) và “Mùa vàng-mùa lúa chín” (khoảng tháng 9, tháng 10). Để tăng thời gian khai thác, khắc phục tính mùa vụ trong phát triển du lịch ruộng bậc thang, các địa phương cần kết hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành tổ chức khai thác thêm “Mùa xanh-lúa thì con gái” (khoảng tháng 7, tháng 8) và “Mùa hoa/mùa đa sắc” (tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) khám phá vẻ đẹp của những loài hoa trên ruộng như hoa cải, hoa tam giác mạch.
Hiện khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang chủ yếu là thông qua hình ảnh của nó qua góc máy của du khách, vì thế, cần đa dạng hóa hơn nữa các hình thức trải nghiệm gắn liền ruộng bậc thang. Chẳng hạn, ở đồi mâm xôi, có thể trồng giống lúa nếp đặc chủng để tạo sự khác biệt về hình ảnh và cung cấp đặc sản cho du khách; có thể nuôi cá ở ruộng bậc thang để du khách trải nghiệm bắt cá, sau đó thưởng thức ẩm thực địa phương; xây dựng những điểm dừng chân phù hợp với không gian cảnh quan để du khách vừa có thể ngắm cảnh chụp ảnh, vừa mua sắm các sản vật do người dân địa phương cung cấp.
Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang là sản phẩm đặc trưng vùng nên cần thiết phải được liên kết giữa các địa phương nhằm kết nối sản phẩm, kết nối tour tuyến, kết nối giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trong vùng để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt. Những kết nối đó không chỉ giúp du khách gia tăng trải nghiệm, người dân bản địa có thêm không gian “dụng võ,” mà còn góp phần nâng tầm giá trị tài nguyên du lịch ruộng bậc thang, tạo dấu ấn khác biệt cho sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc.
Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang là sản phẩm đặc trưng vùng nên cần thiết phải được liên kết giữa các địa phương nhằm kết nối sản phẩm, kết nối tour tuyến.
Vùng Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sa Pa - Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào…
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao... với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm…
Thu Trang
Bình luận