Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ hai, 28/03/2022 15:03
TMO – Là địa phương có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Hà Nội đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cho phát triển nông nghiệp nông thôn đã được thể hiện rõ nét trong các chủ trương và giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.
Trên địa bàn Hà Nội, nông nghiệp đô thị xuất hiện như một đối tác bắt buộc trong quan hệ mới về xây dựng xã hội và không gian sống ở thành phố. Theo đó, nông nghiệp đô thị phải đảm bảo được sử dụng hết diện tích đất có thể khai thác nhằm thiết lập một không gian sản xuất nông nghiệp vững chắc ở gần thành phố. Việc cấu thành vùng lãnh thổ nông nghiệp này cần có sự thương lượng giữa những tác nhân có liên quan; mặt khác, sự tồn tại của nông nghiệp đô thị phải hướng vào cải thiện đời sống thị dân thông qua chất lượng môi trường tốt hơn; truyền bá được giá trị văn hóa về cảnh quan, giáo dục và vui chơi giải trí lồng ghép trong những đề án liên quan đến giáo dục nông nghiệp.
Trồng dưa lưới trong nhà kính tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).
Nông thôn với sự sáng tạo của những con người sống và làm việc tại đây, đã cống hiến nhiều cho xã hội nhờ vào tính đa dạng của địa bàn và mở ra không gian rộng lớn cho đô thị hóa. Nhà nông có những tư tưởng và phương tiện để tham gia vào quản lý không gian xanh đô thị, một chính sách tập hợp được mọi tác nhân tham gia là sự cần thiết và do vậy, trong khuôn khổ các dự án cảnh quan đô thị cần định rõ tính cần thiết của không gian công ích nhằm đảm bảo về đất đai cho nông dân và những thỏa thuận về vị trí công ích của không gian nông nghiệp; phù hợp với các loại hình khác nhau, không gian đô thị cần được tạo dựng dưới dạng nông thôn đô thị hoặc là đô thị nông thôn.
Nhiều năm qua, nông thôn đã tham gia tích cực vào đời sống đô thị, đã có không ít làng quê từng nằm đan xen trong lòng đô thị, tạo nên cho Hà Nội một cấu trúc hài hòa. Các làng của Hà Nội trước đây không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm, nơi thư dãn, tạo vẻ vui tươi cho thành phố mà còn là địa điểm tiếp nhận những nguồn phế thải có thể tái chế từ nội đô. Có thể nói ao, hồ đầm ngoại vi và các làng ven đô đã từng là khu vực chuyển hóa, bảo vệ môi trường trong sạch của thành phố.
Ngày nay, trong quá trình phát triển đi lên, nông thôn Hà Nội đã đô thị hóa nhanh. Các cao ốc đã vươn xa đến hầu hết các làng quê với màu sám bê tông và kính phản quang; phần lớn ao hồ đầm lớn, những ruộng rau, vườn cây và những cánh đồng hoa gần như đã không còn, khó mà tìm lại được ở những nơi này màu xanh của cây ăn trái, hương thơm của hoa 4 mùa nhưng lại dễ gặp cảnh nước ngập tràn trong mùa mưa lũ. Gần đây, trong các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các cấp lãnh đạo ở Hà Nội đã coi đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những trọng tâm. Đây là một chủ trương đúng đắn để Hà nội không bị mất đi những cảnh quan và môi trường sinh thái không còn gì để có thể tái tạo trong tiến trình đô thị hóa khẩn trương.
Chương trình xây dựng nông nghiệp đô thị của Thủ đô đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Với những giải pháp truyền thống, chất lượng môi trường đô thị, tổ chức không gian đô thị và những giải pháp quy hoạch, đảm bảo về đất đai, vị trí công ích trong không gian nông nghiệp và nhất là sự tồn tại của những làng quê trong lòng đô thị cũng là những vấn đề cần bàn.
Phạm Yến
Bình luận