Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Chủ nhật, 03/04/2022 09:04
TMO – “Nếu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chắc chắn sẽ cho sản lượng, năng suất lớn, chất lượng cao, vượt trội so với chăn nuôi truyền thống, mặt khác sẽ giảm thiểu phát thải khí, bảo vệ môi trường”, các chuyên gia khẳng định.
Thống kê trong năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi (6,69 triệu tấn). Song do dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt sụt giảm mạnh, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam đã tăng cao trong giai đoạn này. Riêng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 346.000 con lợn sống và nhập khẩu 143.463 tấn thịt lợn từ Nga, Braxin, Mỹ, Đức, Ba Lan.
Từ tháng 12/2021 đến trung tuần tháng 2/2022, giá thịt lợn hơi xuất chuồng dao động quanh mức 54-57 ngàn đồng/kg, sang đầu tháng 3/2022 giá giảm còn 50-53 ngàn đồng/kg. Thị trường lợn thịt biến động cũng đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ lợn giống. Nếu như thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2021, giá lợn giống luôn ở mức trên 2,4 triệu đồng/con, thì hiện giá lợn giống duy trì 1,1-1,3 triệu đồng/con.
(Ảnh minh họa)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm vừa qua, cơ cấu sản xuất và tiêu thụ thịt trong nước có sự thay đổi đáng kể. Năm 2019, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,14 triệu tấn, trong đó tỷ trọng thịt lợn là 65,6%. Sang năm 2021, tổng sản lượng thịt đạt khoảng 6,2 triệu tấn, song tỷ trọng thịt lợn là 61,6% - đã giảm đáng kể so với năm 2019.
Trong khi giá thịt sản xuất trong nước bán lẻ cao hơn từ 25-40% tùy loại. Thịt lợn nhập khẩu ngày càng mở rộng thị phần tại thị trường bán lẻ Việt Nam vì không chỉ có chi phí thấp hơn cùng với tâm lý ưa chuộng hàng nhập khẩu cũng như thay đổi trong tập quán của người tiêu dùng. Mà còn có ưu điểm về chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn chất lượng đầy đủ nên đã được nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước lựa chọn làm nguyên liệu đầu vào cho chế biến.
Các chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi đang chuyển dịch mạnh từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng giai đoạn 2019-2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn hiện đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đều chủ trương chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng. Ngành chăn nuôi lợn Việt Nam nói riêng và chăn nuôi nói chung sẽ phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh; Quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; Nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm nhu cầu trong nước, từng bước thay thế mô hình sản xuất gia công giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc đầu vào và đầu ra, để đến năm 2030, tổng đàn lợn ổn định ở quy mô đầu con có mặt thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái dao động khoảng 2,5 triệu con, đàn lợn ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%.
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa được mục tiêu trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, phục vụ xuất khẩu. Đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành chăn nuôi.
Đức Nam
Bình luận