Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ sáu, 22/09/2023 08:09
TMO - Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quản lý tốt việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, từ đó khiến mô hình du lịch này khó có thể phát triển bền vững.
Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn những năm qua được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước với nhiều mục tiêu luôn vượt kế hoạch đề ra. Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây: Năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27%; năm 2022 tăng 3,36%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.
Tuy nhiên theo đánh giá, nhận định của các cơ quan chuyên môn, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững. Sản xuất nông nghiệp đã và đang làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn đất, nước, tác động xấu đến hệ sinh thái nói chung, hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn nói riêng và đang tác động tiêu cực đến sức khỏe nhân dân. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp bền vững, xanh, thân thiện với môi trường là đích đến mà Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đã và đang phải hướng đến.
Thực trạng này cho thấy xu hướng phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.
Du lịch nông nghiệp nông thôn ở nước ta còn đối diện với nhiều thách thức cần được tháo gỡ để phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch.
Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng du khách, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn.
Những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với du lịch cộng đồng đang thành công không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, những thách thức cho phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tại nhiều địa phương trên cả nước đó là cần chi phí nhiều cho thiết kế và phát triển sản phẩm. Nguồn lực cần cho đào tạo, nâng cao năng lực lớn nhưng các chính sách hỗ trợ còn dàn trải. Thách thức trong xây dựng tổ chức thể chế, thiết chế đảm bảo phân phối lợi ích công bằng với hoạt động cần có sự hợp tác của nhiều bên, dễ xung đột lợi ích. Chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn phức tạp.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lưu ý đến vấn đề thương mại hóa vì nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến tình trạng tầm thường hoá văn hoá bản địa và văn hoá dân tộc. Điển hình là việc tổ chức lễ hội bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu hay tôn tạo duy tu bảo dưỡng các di tích không theo nguyên bản. Mặt khác, nếu quản lý không tốt cũng sẽ làm ô nhiễm môi trường như khai thác quá tải tài nguyên du lịch tự nhiên, xả rác, gây tiếng ồn... Cùng với đó, công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở, hạ tầng nhân lực dành cho phát triển du lịch cộng đồng gần như chưa có. Các cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình du lịch cộng đồng và bảo đảm liên kết chuỗi giá trị du lịch cộng đồng gắn với các công ty lữ hành còn chưa được đảm bảo lợi ích cho cộng đồng.
Tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng tham gia vào là một vấn đề đáng quan ngại mà Việt Nam đang gặp phải. Trong nhiều trường hợp, du lịch được triển khai mà thiếu đi sự tương tác và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương, dẫn đến mất đi những giá trị văn hóa độc đáo và tương tác xã hội mà du khách mong đợi.
Trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, một sai lầm phổ biến là sự hiểu lầm giữa nhà trọ và homestay. Nhà trọ thường chỉ là nơi cung cấp chỗ ở, trong khi homestay mang đến trải nghiệm sống và giao lưu văn hóa cùng cộng đồng địa phương. Những homestay chất lượng thường phải đi kèm với sự chăm sóc và hướng dẫn từ người dân địa phương, mang đến cho du khách một môi trường tương tác, đắm chìm trong đời sống của cộng đồng và có cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, việc không tận dụng và bám vào giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng cũng đóng góp vào việc làm mất đi sự sâu sắc và khác biệt của sản phẩm du lịch. Việc hiểu và tham gia vào các hoạt động văn hóa địa phương, như lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực và thậm chí việc học một vài từ ngữ cơ bản của ngôn ngữ địa phương là rất quan trọng để xây dựng một trải nghiệm du lịch ý nghĩa và tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo.
Phát triển du lịch nông thôn hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Nhấn mạnh đến các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn, chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khuyến nghị các địa phương cần có chính sách đất đai cho loại hình này, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường,…Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các "điểm đến vệ tinh" gắn với các trung tâm du lịch lớn. Cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể.
Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, để du lịch gắn liền với nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cần có sự tăng cường hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan, như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, để xây dựng và quảng bá thương hiệu "Travel Shopping" cho sản phẩm nông nghiệp du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, từ đó tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp.
Đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương, xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp. Xây dựng các trung tâm truyền thông phụ trách riêng biệt du lịch nông nghiệp, giúp kết nối thị trường, cung cấp thông tin về sản phẩm và trải nghiệm du lịch cho khách hàng, tạo nguồn thu an toàn cho vùng nông sản. Xây dựng mô hình homestay và nhà trọ chất lượng để khách du lịch có thể trải nghiệm và tương tác với đời sống và công việc nông nghiệp địa phương. Khuyến khích việc sử dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm...
Để gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với chương trình xây dựng nông thôn mới cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước,… Đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng từ các vùng nông nghiệp tiêu biểu đang làm dịch vụ du lịch và đề xuất các giải pháp quản lý, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, cùng với những quyết sách và bước đi phù hợp sẽ góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, bên cạnh 11 nội dung thành phần, có thêm 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là những định hướng cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch đánh thức tiềm năng du lịch canh nông tại địa phương.
Hiện nay, để phát huy thế mạnh của từng địa phương, tăng cường công tác quản lý du lịch nông nghiệp nông thôn cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và các chủ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao vai trò công tác quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch canh nông và đề xuất các giải pháp phù hợp cần triển khai trong thời gian tới.
Trần Nam
Bình luận