Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 05/06/2023 13:06
TMO - Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, Việt Nam cần đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, sớm xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên.
Kinh tế tuần hoàn là các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đó cũng là việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hóa giá trị trên nguyên tắc là các vật liệu và tài nguyên được sử dụng càng lâu thì giá trị thu được từ chúng càng nhiều. Nền kinh tế tuần hoàn hoạt động dựa trên các nguyên tắc cơ bản, liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ mội trường, như Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” , “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”…
Sau khi phân loại rác, túi nilon sẽ được xử lý làm sạch trước khi đưa vào tái chế sản xuất nhựa tại nhà máy xử lý rác thải tại Yên Bái.
Đánh giá của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, chỉ có dưới 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19-23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.
Do vậy, Ngày Môi trường thế giới 05/06 năm 2023 được Liên Hợp Quốc lựa chọn với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó nhấn mạnh vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm thông qua triển khai các mô hình tuần hoàn, tái chế để hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh ra môi trường. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính – tiêu tốn nhiều tài nguyên sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, mà còn cho cả đối tác và cộng đồng.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8% đến 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã được Chính phủ của nhiều quốc gia hưởng ứng và triển khai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để giảm rác thải nhựa, đồng thời hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, Việt Nam cần phải quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói bằng nhựa... Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Do vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu vào EU, Mỹ, Nhật, Australia…, chính là đạt các tiêu chí môi trường và nhiều tiêu chí khác trong quá trình sản xuất.
Phát triển kinh tế tuần hoàn đặc biệt là trong xử lý rác thải góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia môi trường cho biết, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam tăng trung bình 20%/năm. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...
Ngoài ra, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường là cần có giải pháp để chuyển từ khu công nghiệp tổng hợp ban đầu thành khu công nghiệp sinh thái; hoàn thiện cơ sở vật chất; xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; áp dụng các biện pháp "tuần hoàn cục bộ" kết hợp với "tuần hoàn toàn diện", khép kín tuần hoàn và giảm tác động gây ô nhiễm tài nguyên nước.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, nhiều ý kiến đề xuất trước mắt Việt Nam cần đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, sớm xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên.
Về dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công :xanh"; pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường...
Đặc biệt, hệ thống pháp luật cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn vào quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, quản lý chất thải để tạo vòng lặp tuần hoàn...
M. Vân
Bình luận