Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ tư, 26/04/2023 12:04
TMO - Với nguồn tài nguyên đa dạng và hệ sinh thái phong phú, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) có nhiều lợi thế, tiềm năng trong bảo tồn, phát triển hệ sinh thái bền vững đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái tại vùng đất ngập nước này.
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất Đồng bằng Bắc Bộ; là Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, lưu trữ carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có tổng diện tích 2.736 ha thuộc địa giới hành chính 7 xã của huyện Gia Viễn. Đây là nơi sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam là "Khu bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào". Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có 2 hệ sinh thái điển hình là hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái trên núi đá vôi. Về thực vật có 722 loài thuộc 277 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có một số loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam như Cốt toái bổ, Bát giác liên, Đơn gai...
Hệ sinh thái động vật ở Vân Long rất phong phú, với 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú, trong đó 12 loài động vật quý hiếm như voọc mông trắng, gấu ngựa, sơn dương, khỉ mặt đỏ, báo hoa mai, báo gấm. Ếch nhái bò sát có 38 loài thuộc 16 họ, 3 bộ, 2 lớp, trong đó có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam như rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ… Về chim có 100 loài, 39 họ, 13 bộ và hiện nay có hàng vạn con cò bợ, cò ruồi, cò trắng thường xuyên kiếm ăn ở bãi sình lầy và ruộng lúa. Vân Long là nơi quan trọng đối với các loài chim nước di cư như sâm cầm… Đặc biệt, tại Vân Long còn có một loài côn trùng bị coi là gần tuyệt chủng, đó là loài cà cuống thuộc họ chân bơi. Nơi mà loài cà cuống này sống được phải có môi trường nước thật sự trong lành. Ngoài giá trị dược lý gắn liền với văn hóa ẩm thực, cà cuống sinh sống được là biểu hiện sự trong sạch của môi trường nước.
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) có nhiều lợi thế, tiềm năng trong bảo tồn, phát triển hệ sinh thái, du lịch bền vững. Ảnh: X.Lâm.
Hệ sinh thái thực vật ở Vân Long có 722 loài, trong đó 687 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 451 chi, 144 họ; và 35 loài thực vật thủy sinh. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (1996) là kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổ, sắng bách bộ, mã tiền, hoa tán, sưa Bắc Bộ. Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao, Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn.
Vân Long được mệnh danh là "vịnh không sóng" vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thủy mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy. Ở Vân Long còn có nhiều hang động có giá trị phát triển du lịch như Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Hang Cá là hang xuyên thủy dài 250m, cao 8m, rộng 10m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100m.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu: Bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh cảnh đặc hữu trên núi đá vôi, bảo tồn các loài thực vật, động vật quý hiếm, đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng, phục vụ nghiên cứu khoa học, ổn định và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư sống trong khu vực bảo tồn, khuyến kích tham gia các hoạt động bảo vệ, trồng rừng... góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo trật tự an ninh trong khu vực.
Đồng thời, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên với 722 loài thực vật, 364 loài động vật, đặc biệt là các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu, như Voọc mông trắng tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ phục hồi rừng thông qua khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản về hệ động, thực vật rừng, xây dựng các mô hình phục hồi rừng tự nhiên, gây trồng các loài cây bản địa và canh tác nông lâm bền vững.
Ngành chức năng địa phương xác định bảo vệ cảnh quan môi trường và tính đa dạng sinh học của Vân Long có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm qua, địa phương luôn chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ nét hoang sơ của Vân Long bằng nhiều biện pháp như phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng, hợp tác xã du lịch tích cực tuyên truyền các hộ dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không tàn phá đa dạng sinh học.
Trong đó, huyện Gia Viễn đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với du khách và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền để người dân, cộng đồng nhận thức và tham gia vào công tác bảo tồn. UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng ranh giới, cắm mốc, thống kê các loại đất trong khu vực, không thực hiện di dân và lấy chính người dân làm hạt nhân nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững; đồng thời thực hiện tốt công tác trồng mới và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm.
Bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tại khu vực này góp phần đảm bảo tính toàn vẹn của đa dạng sinh học, thúc đẩy hoạt động du lịch. Ảnh: T.Tuấn
Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long cho biết, để bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn; tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, đồng thời thực hiện tốt công tác trồng mới và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm. Nhờ đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã nhận được sự đồng lòng, phối hợp của nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, giúp các loài động thực vật được bảo vệ và sống an toàn trong ngôi nhà của mình. Đơn cử, như loài voọc mông trắng, vốn chỉ có 40 cá thể còn sót lại vào năm 2000, đến nay đã tăng lên trên 200 cá thể sống thành nhiều bầy đàn khác nhau.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước trong phát triển du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ninh Bình cũng đồng thời đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế, huy động các nguồn lực về tài chính để tăng cường công tác điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, đánh giá các hệ sinh thái, loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và nguồn gen bị suy thoái tại Khu bảo tồn. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có những biện pháp cụ thể để bảo vệ, bảo tồn tính đa dạng sinh học vốn có của nơi đây.
Hồng Diệp
Bình luận