Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 02:01
Thứ hai, 19/06/2023 14:06
TMO - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số với giá trị di sản văn hoá truyền thống đang trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch tại Việt Nam, tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Hầu hết các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc là những căn cứ địa quan trọng. Ngày nay, những căn cứ địa đó trở thành hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, như ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) và ATK Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động địa cầu, các di tích ở Liên khu V, Trường Sơn - Tây Nguyên...
Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai)...; sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm...
Theo đánh giá của các chuyên gia, di du lịch văn hóa sẽ góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, chuyển đổi hình thức kinh tế từ độc canh cây ngô, lúa sang làm du lịch. Từ đó, tạo điều kiện cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn cũng như góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nếu chúng ta phát triển du lịch theo cách làm bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của tộc người, coi trọng vai trò cộng đồng sẽ tránh được cách làm mai một giá trị truyền thống ở nhiều nơi.
Giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc là nguồn tài nguyên dồi dào cho phát triển du lịch tại các địa phương. Ảnh: VNE.
Tại Hà Giang, dân tộc Mông với hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như lễ hội Khèn Mông, nghệ thuật thổi và múa Khèn Mông, ngày hội văn hóa dân tộc Mông... Các loại hình canh tác trên hốc đá, trên ruộng bậc thang đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa tộc Mông đã tạo nên sức hút cho phát triển du lịch. Nhờ phát triển du lịch, nhiều giá trị văn hóa trước đây bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề làm Khèn (Đồng Văn), dệt lanh (Lùng Tám, Cán Tỷ huyện Quản Bạ) và các loại hình văn hóa dân gian. Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước và con người nơi đây đến với cả nước và quốc tế.
Hà Giang đã có 02 làng văn hóa du lịch, 07 làng nghề truyền thống dân tộc Mông được tỉnh công nhận, bên cạnh đó còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, các khu điểm du lịch mang phong cách văn hóa kiến trúc đặc trưng dân tộc Mông. Giá trị văn hóa tộc người bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch. Ở một số làng du lịch cộng đồng, người dân tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, thậm chí có nơi còn tổ chức cho nam, nữ thanh niên du khách đi cà kheo tham quan một số điểm du lịch
Tại tỉnh Lào Cai, với hơn 66% dân số là người DTTS như: Dân tộc Mông, Tày, Thái, Hà Nhì…, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, Lào Cai luôn xác định di sản văn hóa các dân tộc là nguồn tài nguyên quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn đồng hành cùng đồng bào các DTTS bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa, phục dựng những di sản văn hóa đã mai một, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những năm gần đây, Lào Cai đã từng bước khẳng định được thương hiệu du lịch cộng đồng của mình. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Tày, Mông, Giáy, Hà Nhì… đã kết hợp để phục vụ du khách như: Lễ hội mùa Xuân gắn với các lễ hội truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai; lễ hội mùa Hè gắn với Lễ hội trên mây - Sa Pa; Lễ hội mùa Thu gắn với Ngày hội trên ruộng Bậc thang Bát Xát…
Độc đáo lễ hội Trỉa của bà con Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng Bình).
Tại Quảng Bình, trong hơn 40 sản phẩm du lịch mà địa phương đang khai thác, có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch. Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều (với các tộc người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong) và dân tộc Chứt (bao gồm người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng). Mỗi dân tộc và tộc người có giá trị văn hóa độc đáo riêng và từ lâu đã diễn ra quá trình giao lưu, đan xen văn hóa, từ đó làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Quảng Bình.
Trong số các sản phẩm du lịch mà Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn.....
Theo đánh giá của các chuyên gia, muốn phát triển du lịch dựa trên giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Cần có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng mạnh hơn, đồng thời vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương.
Tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg), trong đó giai đoạn I là từ năm 2021 - 2025. Toàn bộ Dự án số 6 dành cho việc “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” gồm các hợp phần: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh việc chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Nguyễn Minh
Bình luận