Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ hai, 18/09/2023 14:09
TMO - Du lịch sinh thái cộng đồng mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở nhiều vùng nông thôn, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua.
Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, du lịch sinh thái cộng đồng tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa.
Tỉnh Cà Mau xác định, du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch mũi nhọn gắn với việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam. Tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới.
Bên cạnh đó, Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm nhiều cá, có rừng, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt… Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với những món ăn dân dã được chế biến theo khẩu vị của người dân bản xứ, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau mà không phải địa phương nào trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có được.
Du khách tận mắt chứng kiến quy trình lấy mật ong và thưởng thức mật ong sau khi thu hoạch. Ảnh: KD.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, đến nay, toàn tỉnh có 25 điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã đi vào hoạt động và một số điểm mới đã được hướng dẫn, hỗ trợ đưa vào thực hiện, quản lý. Các điểm du lịch cộng đồng hầu hết tập trung tại Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau như: Du lịch cộng đồng tại Đất Mũi, điểm dừng chân Tư Tỵ (Ngọc Hiển), vườn chim Tư Sự (Thới Bình), Tám Ngoắc, Mười Triệu (TP Cà Mau)… Các mô hình này đã tạo ra cơ hội việc làm, góp phần bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân...
Tại tỉnh Cà Mau, địa danh U Minh Hạ huyền thoại cùng với nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây đã là một nét tự nhiên, hấp dẫn thu hút du khách. Theo đó, du khách khi đến vùng đất U Minh Hạ sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động của người nông dân xứ rừng như: Đi ăn ong, theo chân những người thợ lấy tổ ong rừng mang về vắt mật; đặt lờ, đặt lọp, câu cá đồng; hái rau đồng; thưởng thức trái cây sạch, ngon tại vườn. Những sản vật thu hoạch được có thể đem chế biến thành những món ăn dân dã, đậm nét quê…Trong khi đó, để du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên trong lành của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ khi đưa vào khai thác đến nay, tour tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) đã trở thành điểm nhấn quan trọng của du khách trong và ngoài nước trong hành trình trải nghiệm, khám phá vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Trong 5 năm trở lại đây, các hộ làm du lịch theo hình thức này đã được kết nối trong các tour, tuyến phục vụ du khách. Nhờ đó, người dân bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi; tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông, lâm sản, nghề truyền thống; thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh việc mang tới nguồn sinh kế nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch sinh thái cộng đồng đang góp phần làm phong phú cho sản phẩm du lịch của địa phương. Trung bình mỗi năm, tỉnh Cà Mau đón trên 123.000 lượt khách đến với loại hình du lịch này.
Du khách trải nghiệm du lịch xuyên rừng tràm. Ảnh: HH.
Với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, tỉnh Cà Mau đã đầu tư và đưa vào khai thác tuyến tham quan du lịch xuyên rừng tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, gồm 4 tuyến (4 lộ trình khác nhau) với những nét đặc trưng riêng, đi qua các điểm như Kênh Rạch Mũi, tham quan điểm nuôi hàu lồng – kênh Rạch Vàng, điểm dừng chân bãi bồi phía Tây, trải nghiệm dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng… Trong đó, chuỗi sản phẩm du lịch gắn với điểm cực Nam và các điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi, tuyến du lịch xuyên rừng thu hút được nhiều sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Đây được xem là sản phẩm du lịch mới và hiện tại chỉ có ở Cà Mau.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch, như: khai thác có hiệu quả tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau (trải nghiệm, khám phá rừng nguyên sinh, bãi bồi lấn biển thêm rừng, nơi sinh sản của các loài thuỷ sản nước mặn...); triển khai thực hiện Ðề án Làng Văn hoá du lịch Ðất Mũi; khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn quốc gia U Minh Hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng, tìm hiểu nghề gác kèo ong, kinh nghiệm đi rừng, khai thác sản vật...
Tuy nhiên, việc thu hút khách du lịch đến Cà Mau tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch và du lịch sinh thái cộng đồng còn những hạn chế. Các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, còn manh mún, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch mà chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững. Các hộ làm du lịch cộng đồng và các homestay hoạt động còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên. Hầu hết các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại tỉnh Cà Mau đều nằm trong diện tích rừng. Cơ sở không thể thế chấp vay vốn bằng quyền sử dụng đất, muốn mở rộng không dễ.
Bên cạnh đó, để đến được những điểm du lịch, đường đi cũng khó khăn. Về phía doanh nghiệp, để đầu tư mở rộng, nâng cấp xây dựng ở đây không dễ. Bởi, diện tích đất khai thác du lịch còn là đất rừng, không thể tác động. Nếu không có vốn thì khó làm, bởi không thể thế chấp quyền sử dụng đất rừng. Hiện nay, các sản phẩm du lịch của tỉnh Cà Mau chỉ tập trung ở loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, bước đầu thử sức với du lịch nông nghiệp. Trong khi đó, tài nguyên du lịch Cà Mau, như du lịch văn hoá - tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch giải trí - nghỉ dưỡng hầu như bỏ ngỏ.
Định hướng phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau đến 2025, tỉnh tập trung phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên của tài nguyên du lịch. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng; Kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch Cà Mau gắn với sự phát triển du lịch chung của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Từ những hạn chế cũng như các mục tiêu trong phát triển du lịch sinh tháo cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cho đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mang tính chuyên nghiệp, phát triển gắn liền với bền vững.
Theo đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, tổ chức các sự kiện mới như: Hoạt động thể thao mạo hiểm; các giải chạy marathon xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ... Tỉnh định hướng cho các khu, điểm du lịch trong việc tổ chức dịch vụ trải nghiệm theo truyền thống địa phương; xây dựng mới và trưng bày các sản phẩm lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian... phục vụ du khách.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở nước ta hiện nay bước đầu đạt được nhiều thành tựu trong bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách về trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên. Du lịch sinh thái mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở nhiều vùng nông thôn, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động du lịch sinh thái, đời sống cộng đồng, văn hóa các địa phương, vùng miền càng được tôn trọng, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi.
Thu Trang
Bình luận