Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 20:11
Thứ ba, 11/04/2023 20:04
TMO – Đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, góp tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế… đang được các địa phương đặc biệt quan tâm, triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, rác thải nhựa hiện đang là thách thức lớn trong phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa, chỉ có một phần được thu hồi để tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, còn một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển. Lượng chất thải nhựa và túi nylon của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nylon/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
(Ảnh minh hoạ)
Các chuyên gia cho rằng, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch: Làm suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
Lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch khi chưa chịu tác động của đại dịch COVID-19 khoảng 116.144 (tấn/năm) vào năm 2019. Dự báo, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 là 336.400 (tấn/năm). Nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019. Đây là áp lực rất lớn đến môi trường, đặc biệt tại các khu du lịch biển.
Việt Nam đã có đầy đủ những chính sách quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt là Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ có những nội dung như: Sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề rác thải nhựa trong du lịch vẫn là vấn đề nhức nhối và là thách thức đối với ngành du lịch. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, theo các chuyên gia, nên ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe…
Bên cạnh đó, tạo nhiều sản phẩm du lịch nổi bật, khác biệt, đặc sắc, có sức cuốn hút mạnh để nâng cao uy tín thương hiệu điểm đến Việt Nam. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đồng bộ trong ngành du lịch và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển du lịch trên cơ sở chủ động, có chiến lược, kế hoạch toàn diện và linh hoạt để ứng phó kịp thời và hiệu quả với rủi ro, khủng hoảng, tạo nền tảng cho phát triển bền vững ngành du lịch trong bối cảnh mới.
Thanh Ngọc
Bình luận