Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 02:11
Thứ tư, 08/05/2024 19:05
TMO - Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ phát triển công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến, và một số ngành công nghiệp mới. Xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao.
Theo đó, Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050 Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển được ít nhất 02 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại; phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
(Ảnh minh họa)
Quy hoạch đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; nâng cao năng suất và chất lượng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển mạnh một số ngành công nghiệp như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip; dịch vụ tài chính, thương mại, logistic. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của vùng. Hoàn thiện công trình kết cấu hạ tầng; đưa ra các chính sách khuyến khích người dân bám biển; xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mang lại hiệu quả trên các vùng biển có điều kiện thuận lợi, tiềm năng cao, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phát huy tối đa lợi thế của vùng.
Theo Quy hoạch, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ tập trung phát triển vùng động lực miền Trung (vùng động lực quốc gia) là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng; phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển tại các tỉnh trong vùng; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác của 09 cảng hàng không hiện có trong vùng...
Về định hướng phát triển, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phát triển công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến, và một số ngành công nghiệp mới. Xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp vào GRDP của vùng đạt khoảng 25 - 35%.
Tập trung phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với các cảng biển, các đường quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên. Mở rộng không gian phân bố công nghiệp về phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tập trung ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên; ưu tiên sản xuất năng lượng tái tạo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận; xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận). Diện tích tự nhiên toàn Vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260 km), và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm...
Dân số của Vùng năm 2020 khoảng 20,343 triệu người (chiếm 20,8% dân số cả nước) với hơn 50 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong Vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú: chiếm 100% trữ lượng Cromit, 60% trữ lượng thiếc, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng của cả nước, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến.
TÚ QUYÊN
Bình luận