Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Chủ nhật, 30/10/2022 06:10
TMO - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 910/QĐ-BXD về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hạn chế, giảm thiểu các thiệt hại, rủi ro trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Đề án nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết số 438/QĐ-TTG ngày 25/3/2021 phê duyệt Đề án Phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu 2021 - 2030; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, gắn trách nhiệm thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện.
Bộ Xây dựng chủ trì ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhóm nhiệm vụ được giao theo giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 438/QĐ-TTg theo thứ tự ưu tiên là Chương trình 2, Chương trình 6 và Chương trình 4. Đó là rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành Xây dựng và đô thị ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1055/Đ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Xây dựng kế hoạch hành động và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đô thị cần nâng cao tính ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại trong phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Xây dựng phối hợp các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại các địa phương giai đoạn 2021-2025. Về các chương trình thực hiện, cần ưu tiên theo thứ tự các Chương trình 1, Chương trình 5 và Chương trình 3. Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thông bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu); Phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình, dự án thí điểm ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; Bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quy hoạch vùng, tỉnh và quy hoạch đô thị…
Cục Phát triển đô thị sẽ thực hiện vai trò là cơ quan đầu mối giúp lãnh đạo Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 438/QĐ-TTg. Cục Phát triển đô thị cùng Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này theo các quy chế của Bộ Xây dựng về quản lý các dự án sự nghiệp kinh tế và nhiệm vụ khoa học công nghệ…
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm của đơn vị. Chủ động lập kế hoạch và đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế theo quy định hiện hành và huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Sở Xây dựng các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Quyết định 438/QĐ-TTg, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Phát triển đô thị để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ (tháng 12 hàng năm).
Hiện nay, các đô thị ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đặc biệt là tình trạng ngập úng. Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết, những năm gần đây biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan hơn. Mưa lớn hoặc mưa lớn kèm theo triều cường dẫn đến tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các đô thị Việt Nam gây nhiều tổn thất về người, môi trường, xã hội và kinh tế.
Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo việc bê tông hóa, giảm diện tích thấm, ao hồ, kênh rạch mang nhiệm vụ trữ nước, tiêu thoát nước. Việc quản lý cao độ nền của đô thị chưa được thật sự chặt chẽ và quyết liệt...
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Phan Hoài
Bình luận