Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 16/07/2022 06:07
TMO- Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thuộc địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được đánh giá là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay, đồng thời cũng là "lá phổi xanh" của đồng bằng sông Cửu Long.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.805ha, gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 1.015ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 937ha và phân khu hành chính phục vụ trên 852ha. Đây là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, đa dạng sinh học, là nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học bậc nhất nước ta. Ảnh: Anh Lam
Khu bảo tồn ghi nhận sự xuất hiện đa dạng các hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước, chiếm ưu thế có choại, lác, sậy, bồng bông... Thực vật thuộc hệ sinh thái trên cạn gồm trâm sắn, ngái lông, gáo trắng, gừa, đủng đỉnh, mua... Thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước có lục bình, bông súng, sen, các loại bèo… Hệ động vật khá phong phú với trên 200 loài thuộc các lớp bò sát, chim, thú và loài lưỡng cư.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng hiện có đến hàng chục loài thú, trong đó có loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu là dơi chó, chồn mực, cáo mèo, rái cá, rái móng. Khu vực này ghi nhận 135 loài chim nước trong đó có 9 loài quý hiếm được đưa vào Sách Ðỏ Việt Nam như bạc má, giang sen, già đẫy, cà cuốc, cò ốc, cò lạo xám, ác là, le le khoang cổ và nhiều nhất là vạc với mỗi bầy đến hàng ngàn con...
Khu bảo tồn sở hữu hệ động, thực vật đa dạng và quý hiếm
Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững giá trị tài nguyên tại khu vực này, tỉnh Hậu Giang đã ban hành Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vừa được phê duyệt, sẽ đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý.
Đề án đã xây dựng, định hướng thị trường, sản phẩm, định hướng các phân khu chức năng… Trong giải pháp thực hiện, đề án tập trung nhấn mạnh đến các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; giải pháp về cơ chế chính sách, thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương để phát triển du lịch sinh thái; các giải pháp tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch…
Nguyễn Hạnh
Bình luận