Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Chủ nhật, 22/05/2022 09:05
TMO - Nước là nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết tất cả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai. Vì vậy, việc giải quyết các bài toán liên quan đến vấn về tài nguyên nước, bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước là cực kỳ cần thiết để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng một vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế Việt Nam, là trung tâm xuất nhập khẩu cho ngành nông nghiệp của đất nước. Khu vực này đất có độ phì nhiêu cao, là nơi sản xuất, xuất khẩu gạo, trái cây, cá và các sản phẩm nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước cũng như trong khu vực.
ĐBSCL được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tình hình địa lý của ĐBSCL cho thấy khu vực này rất dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, lũ lụt trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô.
(Ảnh minh họa)
Cụ thể hơn, tài nguyên nước ĐBSCL đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn. Sự thay đổi chế độ dòng chảy trong sông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi xâm nhập mặn tại ĐBSCL, đặc biệt trong những năm kiệt. Cùng với đó, áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội sẽ kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như gia tăng lũ, xâm nhập mặn vào sâu, khai thác nước quá mức, ảnh hưởng môi trường nước và suy giảm đa dạng sinh học.
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách dành nguồn lực để triển khai nhiều giải pháp nhằm không chỉ giải quyết các vấn đề có liên quan mà còn phát huy tiềm năng lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, thông qua những thay đổi trong tư duy và đặt ra những tầm nhìn, cách tiếp cận mới về cách thức quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước quý giá.
Việc ban hành các văn bản liên quan như Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, hay sự kiện mới đây nhất được chủ trì bởi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện ý chí và nỗ lực quyết liệt của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong giải quyết tình hình.
Cùng với đó là những sáng kiến cộng tác, hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Rất nhiều các sự kiện như vậy bao gồm các dự án, hội thảo tham vấn, đánh giá đã được thực hiện, mang đến những hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng một niềm tin lớn lao về triển vọng mà ở đó toàn bộ hệ sinh thái bao gồm chính con người sẽ thành công trong ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.
Huy Mạnh
Bình luận