Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Thứ bảy, 23/07/2022 11:07
TMO - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu nhằm triển khai thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW; xác định những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, địa phương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức liên quan cùng hành động để phát triển bền vững ngành địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của đất nước.
Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện: Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Nhằm phát triển bền vững ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng nhiệm vụ quan trọng là cần hoàn thành xây dựng Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp cuối năm 2023. Trong đó, tập trung quy định rõ nội dung điều tra cơ bản tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất); các điều kiện địa chất khác: tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thuỷ văn - địa chất công trình, địa mạo....
Đồng thời, công tác điều tra cơ bản địa chất chủ yếu do Nhà nước thực hiện và nguồn xã hội hóa; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn trả kinh phí khi khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.
Công tác điều tra địa chất, khoáng sản góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng phát triển hiệu quả
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế và ổn định đời sống cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất, khai thác mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém.
Ngoài các nhiệm vụ trên, các bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên địa chất, khoáng sản trước năm 2025; thiết lập nền tảng tài nguyên số, thực hiện chuyển đối số trong quản lý, khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.
Hoàn thành chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ lẻ, nhất là khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường không hiệu quả kinh tế - xã hội, gây lãng phí nhiều tài nguyên, năng lượng nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030…
Khai thác khoáng sản tại nước ta đang ngày càng phát triển, đòi hỏi tăng cường giám sát hạn chế thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng tới môi trường
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú với trên 5000 mỏ, điểm quặng, nhiều loại khoáng sản có quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế.
Trung bình mỗi năm ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt…giá trị sản lượng ngành khai khoáng (không kể dầu khí) chiếm khoảng 4-5% tổng GDP hàng năm.
Theo Ban Chấp hành Trung ương, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác quản lý và hoạt động của ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết trên vẫn còn những hạn chế, yếu kém; chưa đạt được một số mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Cùng với đó, thông tin, dữ liệu còn phân tán, sử dụng chưa hiệu quả, công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biển khoáng sản còn bất cập. Hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh.
Trước thực trạng này, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa là nguồn lực lâu dài của quốc gia.Việt Nam cũng phấn đấu sớm hoàn thành việc lập bản đồ địa chất và khoáng sản.
Cụ thể, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền, hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản tại các khu vực có triển vọng ở Tây Bắc và Trung Trung Bộ.
Đến năm 2030, kết quả lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 85% diện tích đất liền, hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tại các khu vực có triển vọng ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu và nhiệm vụ chi tiết sẽ góp phần thúc đẩy công tác điều tra địa chất, khoáng sản, khai thác tài nguyên này một cách hiệu quả, bền vững.
Kim Ngân
Bình luận