Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ năm, 16/06/2022 19:06
TMO - Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 7 quan điểm nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của khu vực châu Á.
Trong Hội thảo trực tuyến “Châu Á: Châu lục Năn lượng Tái tạo” vừa được tổ chức mới đây, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Châu Á là châu lục tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới và cũng là châu lục có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất toàn cầu. Nhu cầu về năng lượng trong khu vực vẫn đang tiếp tục tăng lên do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng. Ngoài ra, châu Á cũng là khu vực có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo cùng với kiến thức và chuyên môn đáng kể về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Cục Biến đổi khí hậu cho rằng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển vẫn còn thấp so với các loại năng lượng truyền thống.
Năng lượng tái tạo đang rất cần cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển.
Để phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 7 quan điểm phát triển quan trọng. Cụ thể, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năng lượng tái tạo cần phải trở thành hàng hóa công cộng, phục vụ tất cả mọi người dân và mọi người dân đều có thể tiếp cận được và hưởng lợi từ phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là những nhóm hoặc cộng đồng chịu ảnh hưởng do quá trình chuyển đổi năng lương cần phải được hỗ trợ về sinh kế, đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp. Cần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc gỡ bỏ các rào cản, bao gồm các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở từng quốc gia để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là từ khâu lập quy hoạch, đến cấp phép, quản lý và vận hành dự án phát triển năng lượng tái tạo.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần đặt ra các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng “0” và giảm ô nhiễm không khí trở thành tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư, phát triển các dự án năng lượng. Đặc biệt, cần có sự cam kết và tham gia trách nhiệm của hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, tín dụng thông qua việc điều chỉnh danh mục cho vay đầu tư theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tăng cường đầu tư vào hệ thống truyền tải điện để tối đa hóa lợi ích của việc sản xuất năng lượng gió và mặt trời; đầu tư phát triển hạ tầng cần thiết nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sạch như phương tiện giao thông chạy điện như ô tô điện, xe máy điện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu để tăng cường khả năng thích ứng, lưu trữ các-bon; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên trong khi vẫn có thể bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau, triển khai các giải pháp công nghệ lưu trữ, chôn lấp các-bon để góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’. Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng của châu lục, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng các cơ quan thông tấn, báo chí trong khu vực. Chính các cơ quan thống tấn, báo chí, truyền thông sẽ góp phần lan tỏa thông điệp về tính cấp bách của việc chuyển đổi năng lượng, cũng như giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội do phát triển năng lượng tái tạo mang lại.
Phạm Yến
Bình luận