Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ bảy, 28/01/2023 10:01
TMO - Thời gian qua, tỉnh An Giang tập trung phát huy các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Tỉnh An Giang có hệ sinh thái đa dạng,phong phú, với nhiều danh lam thắng cảnh và quần thể di tích kiến trúc nổi tiếng. Tỉnh hiện có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm và Hoa. Ngoài ra, địa phương này còn có hơn 100 lễ hội lớn nhỏ hàng năm, cùng với nhiều làng nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn, ẩm thực, trang phục, tri thức dân gian, tôn giáo tín ngưỡng, tập quán cộng đồng...đây là nguồn tài nguyên quý giá, nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Với nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đặc sắc tỉnh An Giang đang khai thác hiệu quả trong phát triển du lịch tại địa phương.
An Giang hiện có 4 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; hội đua bò Bảy Núi; tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; lễ hội Kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn). Hiện, tỉnh đang tiếp tục xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho: Nghề dệt, nghi lễ vòng đời đồng bào dân tộc thiểu số Chăm; nghệ thuật trình diễn Dì Kê của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Ngoài ra, tỉnh còn kiểm kê di sản phi vật thể địa phương, các dân tộc; tổ chức truyền dạy, trao truyền di sản văn hóa, chú trọng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một (như: Dạy nhạc ngũ âm, độc tấu Chầm riêng Ch’pay, khắc kinh trên lá buông…).
Với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, tỉnh An Giang đang tập trung phát triển ngành du lịch văn hóa, du lịch tâm linh mà di tích là một trong những tài nguyên quan trọng để khai thác. Một số di tích tiêu biểu, như: Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Hang, đồi Tức Dụp, cùng một số cơ sở thờ tự, tôn giáo với kiến trúc nghệ thuật cổ, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Chăm, Hoa, Khmer, như: Chùa XvayTon, thánh đường Hồi giáo Mubarak, chùa Ông Bắc... đã được giới thiệu rộng rãi, tạo điều kiện cho việc quảng bá di sản văn hóa, hoạt động DL An Giang.
Dịp Tết Nguyên đán 2023, các khu, điểm du lịch nổi tiếng tại An Giang như Khu du lịch Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông, Vạn Mai Hương, Đồi Tức Dụp, cụm hồ Tri Tôn,… đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Cụ thể, lượng khách tham quan tại các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang đạt khoảng hơn 500.000 lượt. Trong đó, một số điểm tham quan có lượng khách tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Khu du lịch Núi Sam đạt hơn 100.000 lượt, tăng 8.000 lượt; Khu du lịch Núi Cấm 87.000 lượt, tăng 16.000 lượt; các điểm tham quan Cù lao Giêng là 9.000 lượt, tăng 5.000 lượt, các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn có 93.000 lượt, tăng 23.000 lượt…
Dịp Tết Nguyên đán 2023, các điểm đến nổi tiếng tại An Giang thu hút khoảng 500.000 lượt khách du lịch. Ảnh: YP
Để đưa ngành du lịch An Giang phát triển đúng tiềm năng, lợi thế sẵn có, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đúng mức cho việc trùng tu di tích để gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc, đảm bảo chất lượng hiệu quả công trình. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ cho nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số để họ tiếp tục cống hiến, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn cho cán bộ chuyên môn về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tăng cường quảng bá, giới thiệu, giao lưu hoạt động liên quan lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng cùng tham gia, tạo môi trường và động lực để nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá giá trị văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội.
Trung Hiếu
Bình luận