Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
Thứ ba, 08/04/2025 13:04
TMO - Qua đặt bẫy ảnh, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) phát hiện nhiều động vật hoang dã như mèo rừng, mang thường, chồn bạc má, chồn họng vàng, gà rừng...
Tại các tiểu khu của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu, để bảo tồn nguồn gene động thực vật đặc trưng, qua đặt bẫy ảnh, Ban Quản lý Khu bảo tồn phát hiện nhiều loài động vật hoang dã. Đây là lần đầu tiên có hình ảnh cụ thể minh chứng xác thực nhất ở Khu BTTN Pù Hu đang tồn tại nhiều loài động vật quý hiếm, thay vì như trước đây chỉ ghi nhận bằng các dấu vết, điều đó khẳng định được tính đa dạng sinh học ở đây.
Ở khu rừng rộng lớn Pù Hu, qua hình ảnh ghi nhận cho thấy nhiều động vật hoang dã đi theo đàn như mèo rừng, gấu ngựa, hoẵng, lợn rừng... Đến nay, đã phát hiện Mang Hoẵng vó vàng và Mang Lào với khoảng 5.300 cá thể đang sinh sống và kiếm ăn tại các khu rừng Pù Hu. Các điểm ghi nhận dấu vết của các loài Mang là cách xa khu dân cư và xa đường mòn. Hiện các loài Mang này phân bố ở độ cao từ 400 - 800 mét tại sườn núi, độ dốc khá lớn và khá gần nguồn nước.
Loài Mang Hoẵng vó vàng được phát hiện tại Khu bảo tồn.
Trước đó trong tháng 1/2025, qua bẫy ảnh lực lượng chức năng ghi nhận một gia đình gấu ngựa gồm 3 con trong khu rừng ở huyện Quan Hóa, thuộc Khu BTTN Pù Hu. Gấu ngựa, loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đây là lần đầu tiên phát hiện ở Khu BTTN Pù Hu. Sau khi phát hiện đàn gấu ngựa, đơn vị đã tổ chức đồng bộ các biện pháp để bảo vệ, bảo tồn loài động vật quý hiếm này cũng như các loài động vật hoang dã khác.
Với tổng diện tích hơn 24.200ha rừng tự nhiên, nằm trên địa bàn huyện Quan Hóa và Mường Lát, Khu BTTN Pù Hu hiện có khoảng 2.600 loài động thực vật đang sinh sống. Trong đó, hơn 50 loài thực vật và khoảng 50 loài động vật đã được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam.
Qua điều tra đã ghi nhận tại Khu BTTN Pù Hu có khoảng 1.725 loài thực vật thuộc 696 giống, 170 họ và 71 bộ, 12 lớp và 6 ngành. Phần lớn các loài thực vật bậc cao tập trung ở khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Ngoài ra, các loài thực vật trong hệ sinh thái nông nghiệp, vườn rừng, vườn nhà dân cũng góp phần làm tăng thêm tính đa dạng sinh học cho khu hệ thực vật.
Đặc biệt, hệ thực vật Pù Hu có tổng số 52 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Theo tiêu chuẩn của IUCN, hệ thực vật Pù Hu có 93 loài được ghi nhận, có 16 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Trước đó, vào cuối năm 2022, tại Khu BTTN Pù Hu, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam trao Bằng công nhận 6 cây chò xanh là Cây Di sản Việt Nam.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có giám sát động vật hoang dã thông qua bẫy ảnh được Khu BTTN đẩy mạnh triển khai.
Khu BTTN Pù Hu đã hoàn thành quy hoạch bảo tồn và lập kế hoạch phát triển bền vững đến năm 2020. Tiến hành điều tra hiện trạng phân bố, mối đe dọa 2 loài vàng tâm, sến mật. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, kiểm tra rừng bằng GPS trên Google Earth. Bổ sung hoàn thiện 39 tiểu khu, xây dựng 39 ô tiêu chuẩn định vị theo dõi, đánh giá diễn thế của rừng. Sưu tầm các tiêu bản động, thực vật phục vụ việc nghiên cứu khoa học. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh tổ thành và nâng cấp vườn thực vật.
Đặc biệt, thông qua Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng chương trình giám sát một số loài động vật quý hiếm tại Khu BTTN Pù Hu”, hiện nay Khu BTTN Pù Hu đã xây dựng được hệ giám sát về đa dạng sinh học cho một số loài động, thực vật quý hiếm, như: gà tiền mặt vàng, gấu ngựa, thông tre lá dài, lan kim tuyến, rùa hộp trán vàng Bắc bộ.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt: “Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Pù Hu giai đoạn 2021 – 2030”. Đây là vấn đề cấp bách, cần thiết phải thực hiện để đảm bảo duy trì mọi hoạt động của Khu bảo tồn, làm cơ sở, tiền đề để hàng năm tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, nhất là có nguồn vốn ổn định hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2030, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường; là cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng; huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, góp phần nâng cao nhận thức và mức sống của người dân, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cho vùng biên giới./.
Ngọc Lan
Bình luận