Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ năm, 25/05/2023 13:05
TMO - Trước sự gia tăng của các nguồn thải, tỉnh Tuyên Quang triển khai các phương án phân vùng môi trường với những giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên.
Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác được thực hiện theo tiêu chí về yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật. Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến nhiệm vụ phân vùng môi trường theo quy định.
Vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt nằm trong phạm vi vườn quốc gia, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, gồm: Toàn bộ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái của VQG Tam Đảo trên địa bàn 5 xã Hợp Thành, Kháng Nhật, Hợp Hòa, Thiện Kế, Ninh Lai thuộc huyện Sơn Dương; Toàn bộ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái của Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang nằm trên địa bàn 04 xã và 1 thị trấn là: Xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khau Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang thuộc huyện Na Hang; Toàn bộ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Cham Chu nằm trên địa bàn các xã Trung Hà, Hà Lang và một phần xã Tân An thuộc huyện Chiêm Hóa, xã Phù Lưu, Minh Hương thuộc Hàm Yên.
Toàn bộ diện tích khu rừng cảnh quan thuộc Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào thuộc địa bàn Khu du lịch quốc gia Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Toàn bộ diện tích Khu bảo vệ cảnh quan Kim Bình thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Toàn bộ diện tích Khu bảo vệ cảnh quan Đá Bàn. Toàn bộ diện tích Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Khuôn Hà - Thượng Lâm trên địa bàn các xã Khuôn Hà, Thượng Lâm thuộc huyện Lâm Bình.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là toàn bộ diện tích rừng đặc dụng nằm ngoài phạm vi vườn quốc gia, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh, bao gồm: vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước của các nhà máy sản xuất nước sạch tại thành phố Tuyên Quang, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước của các nhà máy sản xuất nước sạch tại các thị trấn thuộc các huyện; vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước của các công trình cấp nước sinh hoạt riêng lẻ có công suất > 3.000m3 /ngày đêm.
Tại vùng bảo vệ nghiêm ngặt như Khu Dự trữ thiên nhiên Na Hang đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong phát triển các hoạt động kinh tế.
Đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt các hệ sinh thái, khu hệ động, thực vật, đa dạng sinh học trong Khu Dự trữ thiên nhiên Na Hang, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Cham Chu, Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh Khuôn Hà - Thượng Lâm; phối hợp với BQL VQG Tam Đảo trong các công tác quản lý liên quan đến VQG, tổ chức quản lý tốt vùng đệm VQG. Tổ chức phòng, chống hoạt động khai thác trái phép, hoạt động xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên. Ổn định đời sống nhân dân trong vùng đệm VQG, khu bảo tồn thiên nhiên.
Nghiên cứu kết nối các sinh cảnh sống trong khu bảo tồn, thiết lập hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang với VQG Ba Bể. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý đa dạng sinh học. Khoanh định, duy trì diện tích, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên. Nâng tỷ lệ che phủ rừng nhằm tăng hấp thụ carbon, kiểm soát phát thải khí nhà kính. Trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ chấp thuận dự án đầu tư có mục đích bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; dự án có mục đích giáo dục, dự án an ninh quốc phòng thiết yếu; trường hợp các dự án được chấp thuận đầu tư theo quy định phải có phương án đầu tư đảm bảo không xâm hại đến hệ sinh thái, sinh cảnh, đa dạng sinh học trong các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.
Trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt: không quy hoạch, phát triển dự án khai thác khoáng sản; không xây dựng kho chứa hóa chất độc hại, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu có yếu tố độc hại; không xây dựng cơ sở xử lý, bãi chôn lấp, vị trí thải bỏ chất thải rắn; không cấp phép thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất ô nhiễm độc hại, có hoạt động xâm hại đến các đối tượng, yếu tố cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Vùng hạn chế phát thải trên địa bàn tỉnh có phạm vi bao gồm các khu vực như sau: Vùng hạn chế phát thải là phạm vi ranh giới của các công trình di tích văn hóa - lịch sử, khu vực bảo tồn cảnh quan, danh thắng: Vùng này bao gồm toàn bộ phạm vi thuộc quản lý của các đơn vị quản lý các khu danh thắng, khu di tích văn hóa - lịch sử, khu vực được quy hoạch phát triển du lịch trong thời kỳ 2021-2030.
Đối với vùng hạn chế phát thải là các công trình di tích văn hóa - lịch sử, khu vực bảo tồn cảnh quan, danh thắng, công tác bảo vệ môi trường chủ yếu là bảo vệ, nghiêm cấm mọi hoạt động gây xâm hại đến di tích lịch sử, cách mạng, cảnh quan. Đồng thời, ngành văn hóa, thể thao, du lịch tổ chức tôn tạo, nâng cấp các di tích, các cảnh quan nhằm thu hút khách du lịch, khai thác tiềm năng môi trường của các vùng này. Hoạt động duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo các khu du lịch, khu di tích văn hóa – lịch sử đều phải đảm bảo hài hòa với tự nhiên và di tích.
Vùng hạn chế phát thải là toàn bộ diện tích rừng phòng hộ: bao gồm toàn bộ diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong nội dung quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích rừng phòng hộ phân bố ở thượng lưu các sông suối của Tuyên Quang trên các vùng có độ cao trên 500m và độ dốc trên 250m; Diện tích rừng phòng hộ chiếm một phần lớn diện tích huyện Na Hang, một phần diện tích khu vực Đông, Bắc và Tây Chiêm Hóa, Tây và Bắc Hàm Yên và phần nhỏ ở Yên Sơn và Sơn Dương. Chức năng và nhiệm vụ chủ yếu là điều hòa nguồn nước cho các sông Lô, sông Gâm (hồ thủy điện Na Hang) và chống xói mòn đất, giảm thiểu lũ lụt; góp phần giữ trong sạch bầu khí quyển và hạn chế sự tăng lên của hàm lượng CO2 do các hoạt động kinh tế của vùng Đông Bắc, và miền Bắc Việt Nam.
Đối với vùng hạn chế phát thải là rừng phòng hộ: tuyệt đối cấm chặt phá rừng làm nương rẫy, các hoạt động khai thác làm giảm độ che phủ rừng; việc khai thác gỗ, tre, lâm sản phải được quản lý chặt chẽ, cấm khai thác khoáng sản. Các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đối với vùng hạn chế phát thải là rừng phòng hộ phải nằm trong hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt, được xem xét cân nhắc của các cơ quan có thẩm quyền trong đó nhất thiết phải có sự đồng thuận của tỉnh Tuyên Quang và cơ quan quản lý môi trường của tỉnh, nếu được phê duyệt phải được thực hiện theo theo đúng kế hoạch được phê duyệt.
Vùng hạn chế phát thải là toàn bộ diện tích rừng sản xuất Tiểu vùng rừng sản xuất phân bố ở những phần còn lại vùng có địa hình khá dốc và có độ cao 300 - 500m. Do địa hình dốc, lớp thổ nhưỡng mỏng và dễ bị xói mòn đồng thời khó khăn cho canh tác các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp khác nên biện pháp khai thác kinh tế tốt nhất và lâu bền là trồng rừng. Rừng ở đây thuộc loại rừng kinh tế, tuy nhiên nó cũng góp phần quan trọng trong phòng hộ và bảo vệ môi trường nói chung, đất, nước nói riêng. Rừng trồng cần được tính toán, hạch toán kinh tế đầy đủ vì vậy cần quan tâm đến loại cây trồng vừa phù hợp với đất đai vừa có giá trị kinh tế cao. Để đảm bảo tốt việc phát triển loại rừng cần được tổ chức liên doanh liên kết giữa người trồng rừng với các công ty sử dụng nguyên liệu để sản xuất. Mặt khác để đảm bảo chức năng bảo vệ môi trường đất, nước việc khai thác rừng phải được quy hoạch, quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc chung là khai thác phải trồng bù lại phần khai thác ngay.
Một trong những vùng hạn chế phát thải trên địa bản tỉnh là khu vực đầu nguồn các con suối là đầu nguồn của các sông.
Vùng hạn chế phát thải là khu vực đầu nguồn các con suối là đầu nguồn của các sông trên địa bàn tỉnh: Tổ chức khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ hành lang nguồn nước, bảo vệ các vùng bảo hộ tài nguyên nước. Việc bảo vệ đầu nguồn các con suối có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo chất lượng nguồn nước tự nhiên, đồng thời bảo vệ chất lượng nguồn cấp nước nguyên liệu cho các công trình nước sạch vùng nông thôn. Vùng bảo vệ môi trường khác, bao gồm: toàn bộ phần diện tích còn lại của tỉnh nằm bên ngoài Vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và Vùng hạn chế phát thải đã được nêu ở trên.
Ngoài ra, vùng bảo vệ môi trường khác trên địa bàn tỉnh bao gồm phần diện tích đất của TP.Tuyên Quang, diện tích đất thuộc ranh giới hành chính các thị trấn, khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai trường khai thác khoáng sản, khu sản xuất nông nghiệp (diện tích đất lúa, đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm khác), diện tích đất khu sản xuất khác, diện tích mặt nước hồ thủy điện, diện tích mặt nước hồ thủy lợi.
Đặc điểm của Vùng bảo vệ môi trường khác là có hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra sôi động, phát sinh khối lượng chất thải rắn, nước thải, khí thải lớn, cần được giám sát để phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với Vùng bảo vệ môi trường khác: tổ chức giám sát công tác bảo vệ môi trường theo quy định riêng đối với từng đối tượng nhằm kiểm soát hoạt động phát thải, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Mạnh Cường
Bình luận