Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 11/03/2022 08:03
TMO - Mới đây, trong khuôn khổ của Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức (10-11/3), các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường trong nước đã có những trao đổi liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường và tác động của tình trạng này.
Theo nghiên cứu của GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và TS. KTS Phạm Thị Hải Hà, Đại học Xây dựng Hà Nội, ô nhiễm không khí gây ra các tác hại nặng nề đối với các hệ sinh vật (động vật và thực vật).
Cụ thể, các chất ô nhiễm đi vào khí quản của các loài động vật gây ra tắc nghẽn hô hấp, làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Các loài thực vật bị ô nhiễm bụi bám vào làm giảm quá trình quang hợp, khi bị các khí ô nhiễm tác dụng, nhất là bị khí ô nhiễm HF và SO2 tác dụng gây ra các bệnh vàng lá, rụng lá hàng loạt.
Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản gây ra ô nhiễm không khí
Ngoài ra, các chất khí ô nhiễm SO2, NOx dưới tác dụng của bức xạ mặt trời và hơi nước sẽ tạo ra mưa axit và lắng đọng khô axit. Lắng đọng axit có khả năng giết chết các loài vi sinh vật, sinh vật trong môi trường đất và môi trường nước, làm thay đổi chất lượng nguồn nước, phá hoại rừng và mùa màng. Ô nhiễm khí CO2, khí CH4 (khí nhà kính) sẽ gây ra biến đổi khí hậu, làm cho trái đất ngày càng nóng hơn và biến đổi khí hậu dị thường, gây ra suy thoái tất cả các loài động vật và thực vật.
Xử lý rác thải tại các khu dân cư chưa có quy hoạch dẫn đến việc đốt rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường không khí cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Theo số liệu của WHO, ô nhiễm không khí xung quanh ở cả thành phố và nông thôn ước tính gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới vào năm 2016; tỷ lệ tử vong này là do tiếp xúc với bụi mịn có đường kính từ 2,5 µm trở xuống (PM2.5), gây ra bệnh tim mạch và hô hấp, và các bệnh ung thư.
Cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước cũng tác động nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khi ô nhiễm nguồn nước xảy ra, sự gia tăng của các chất dinh dưỡng mới có trong nguồn nước sẽ kích thích sự phát triển của cây và tảo, làm giảm đáng kể oxy trong nguồn nước. Sự thiếu oxy này sẽ làm chết các loài thực vật và động vật có trong nguồn nước và tạo ra vùng chết, nơi mà các nguồn nước không có sự sống của sinh vật.
Cùng với nước thải sinh hoạt, nước thải tại các KCN nếu không được xử lý hiệu quả sẽ là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng
Ngoài ra, hóa chất và kim loại nặng từ nước thải công nghiệp, đô thị cũng làm ô nhiễm nguồn nước, gây độc hại đối với sinh vật có trong nguồn nước, làm giảm khả năng sinh sản cũng như tuổi thọ của sinh vật.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, mỗi năm, có đến 9.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, 100.000 trường hợp ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Khảo sát 37 xã mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.
Nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí, trước hết là xây dựng và ban hành Luật Không khí sạch, hoàn thiện và thực thi triệt để các chính sách pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quy định pháp luật về BVMT không khí. Đặc biệt là triển khai hiệu quả Chỉ thị số 3/CT-TTg, ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí.
Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương, như là thành lập các phòng 169 quản lý môi trường không khí thuộc Chi cục bảo vệ môi ở các tỉnh/thành, tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra môi trường không khí. Đồng thời, tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới.
GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng và TS.KTS Phạm Thị Hải Hà cho rằng, cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra các nguồn thải công nghiệp, bảo đảm đạt quy chuẩn quốc gia, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý nguồn thải phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh các khu, cụm công nghiệp.
Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển vật liệu rời về ban đêm.
Trồng rừng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm không khí
Bảo vệ và phát triển trồng rừng, phủ xanh các vùng đất trống, đồi núi trọc, triệt để phòng ngừa cháy rừng, suy thoái rừng, nâng tỷ lệ đất rừng lên 45% vào năm 2050. Phát triển mạnh mẽ phong trào trồng cây xanh trên phạm vi toàn quốc, nhất là các hệ thống cây xanh trong các đô thị và trên các mạng lưới giao thông vận tải. Áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị và các khu công nghiệp.
Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, Nhà nước, chính quyền các cấp cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định hướng dấn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt tập trung.
Ngọc Linh
Bình luận