Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ năm, 31/10/2024 08:10
TMO – Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ (BTB) và duyên hải miền Trung (DHMT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác.
Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đặt mục tiêu triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.
Kế hoạch cũng xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Kế hoạch nêu rõ, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp mới; tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước. Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu.
Phát triển Nông nghiệp vùng theo hướng sinh thái, gắn với sản phẩm du lịch nông thôn. Ảnh minh họa.
Phát triển ngành nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao.
Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi.
Theo Kế hoạch, sẽ hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoàn thành xây dựng, mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn vùng theo quy chuẩn; phát triển các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Đông - Tây, kết nối các cảng biển đặc biệt, cảng hàng không quốc tế với các địa phương vùng Tây Nguyên. Hoàn thành kết nối tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng, tạo vành đai bảo vệ bờ biển, đồng thời thúc đẩy liên kết, phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch.
Phát triển đường sắt trong vùng theo hướng ưu tiên các tuyến đường sắt kết nối các đô thị lớn với các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt các ga đường sắt tốc độ cao trong vùng; một số tuyến đường sắt kết nối giữa cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistic, cửa khẩu quốc tế với mạng lưới đường sắt quốc gia để sớm hình thành mạng đường sắt vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao hiệu quả vận tải trong vùng.
Tập trung phát triển các khu vực ven biển trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước, trong đó Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia, Quảng Nam là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ, Thừa Thiên Huế là trung tâm công nghiệp văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao, Quảng Ngãi là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng, trung tâm du lịch biển đảo, Bình Định là trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển. Phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước. Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó, ngày 4/5/2024, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Về kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5 - 8% giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, quy mô GRDP tăng từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2020, trong đó tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 38 - 39%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40 - 41%, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 10 - 11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 10-11%. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 165 triệu đồng, tương đương 6.485 USD; Phát triển hệ thống đô thị bền vững; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%; phấn đấu phát triển được ít nhất 01 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hóa; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên cơ sở tăng cường hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.
Về môi trường: Duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 80%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%, trong đó tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 40%; Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, kết hợp tái sử dụng đạt trên 50%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; phấn đấu 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;
Kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển và trên các đảo; quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu bảo tồn biển trong phạm vi của vùng không còn rác thải nhựa; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ biển được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường…/.
HOÀI AN
Bình luận