Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ năm, 21/12/2023 14:12
TMO - Tỉnh Lào Cai chú trọng triển khai các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo lĩnh vực: Năng lượng; nông nghiệp; lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp…
Theo báo cáo của Sở TN&MT Lào Cai, UBND tỉnh đã có chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính như xử lý chất thải bằng hầm biogas để tận dụng làm khí đốt. Từ năm 2014, Lào Cai đã thực hiện Dự án Khí sinh học cho ngành chăn nuôi với 4.700 công trình bể khí sinh học xử lý chất thải bằng biogas được hỗ trợ xây dựng. Hiệu quả thiết thực từ dự án đã được người dân nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai với khoảng 7.000 công trình bể biogas được xây dựng, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường và biến chất thải chăn nuôi, chất thải nông nghiệp thành tài nguyên.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Lào Cai (công suất hơn 100 tấn/ngày) thành phân hữu cơ. Bên cạnh đó, tham gia nghiên cứu các mô hình xử lý rác thải thành điện; lắp đặt các hệ thống điện mặt trời, bình nước nóng năng lượng mặt trời tại các hộ và khu công sở, khách sạn, nhà hàng, góp phần giảm thiểu lượng điện tiêu thụ.
Hiện tại, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, có 154 gia đình và doanh nghiệp trong toàn tỉnh Lào Cai lắp đặt với công suất thiết kế/lắp đặt 1,993 MW, sản lượng điện năng đã ký hợp đồng mua bán điện và hòa lưới điện là 1.250.310 kWh. Trong lĩnh vực giao thông, Lào Cai khuyến khích đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giao thông vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính.
Kiểm soát khí thải, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn được tỉnh Lào Cai chú trọng triển khai.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng theo hướng “xanh hóa”, vận hành tuyến xe buýt công cộng và nhiều loại hình xe khách công cộng khác. Các mô hình vận tải xe ô tô điện trên địa bàn thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai từng bước được nhân rộng. Địa phương này hiện có 14 cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê, trong đó có 12 cơ sở thuộc các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và 2 cơ sở thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải. Theo quy định, việc kiểm kê cụ thể sẽ được thực hiện trong giai đoạn tới. Trước mắt, các ngành chuyên môn tuyên truyền, đôn đốc các cơ sở chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc kiểm kê. Bên cạnh việc giảm phát thải, Lào Cai cũng quan tâm bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng để tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính cân bằng giữa lượng phát thải và lượng hấp thu.
Với diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 414.930 ha (theo niên giám thống kê tỉnh Lào Cai năm 2022), thời gian qua, Lào Cai đã triển khai hiệu quả công tác rà soát, quy hoạch 3 loại rừng thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến rừng, các biến động về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp. Thiết lập quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh có nguy cơ xâm hại rừng cao.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của 12 chủ rừng với diện tích trên 200.000 ha. Về trồng rừng, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh Lào Cai trồng rừng đạt 19.832,84 ha, trong đó: năm 2021 thực hiện trồng được 9.579,9 ha, năm 2022 trồng được 8.075,84 ha, tính đến tháng 7/2023 trồng được 2.247,1 ha. Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tính đến nay đã thực hiện trồng 6.113.357 cây xanh.
Lào Cai quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời triển khai hiệu quả Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải theo các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính Quốc gia; phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng; giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống dưới 10%; các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải theo lộ trình, kế hoạch; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch trong công nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của toàn tỉnh đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Tập trung phát triển các dự án năng lượng mới không phát thải; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hoá thạch; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Các Sở, ngành chức năng định kỳ 02 năm/lần thực hiện: Rà soát số liệu tiêu thụ năng lượng, công suất, quy mô của cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính của năm trước năm rà soát theo tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2022NĐ-CP của Chính phủ; Cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2022NĐ-CP của Chính Phủ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực liên quan trước ngày 30 tháng 6 kể từ năm 2023; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý.
Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hằng ngày và trong đầu tư mới, mua sắm công, bao gồm các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng các công trình xanh, làm mát bền vững, sử dụng xe điện chạy pin và các thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Khuyến khích các dự án đầu tư mới và các dự án đã đầu tư chuyển đổi, áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính và tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện, hoạt động của mình.
Đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản tỉnh Lào Cai thời kỳ đến năm 2030; xác định các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế phát thải. Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp. Triển khai thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất và sử dụng năng lượng theo hướng tăng mạnh tỷ trọng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (Phát triển các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ có chọn lọc, đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; Tập trung nghiên cứu các dự án sử dụng năng lượng gió, điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối...); giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hoá thạch, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030.
Cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại. Khuyến khích xây dựng công trình, nhà ở chống nắng nóng, sử dụng các giải pháp làm mát xanh, dựa vào tự nhiên, sử dụng vật liệu ít phát thải khí nhà kính, vật liệu tái chế. Đẩy mạnh giải pháp hiệu quả năng lượng cho các thiết bị làm mát và điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng thông minh. Ưu tiên các nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường có giá trị gia tăng cao giảm thiểu phát sinh chất thải; thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển đột phá công nghiệp.
Phương Hà
Bình luận