Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/04/2025 10:04
Thứ tư, 02/04/2025 06:04
TMO - Hiện nay bước vào mùa khô, thời tiết khô hanh, nhiệt độ tăng cao, để bảo vệ rừng hiệu quả, công tác quản lý, giám sát rừng, bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần đang được các chủ rừng cũng như lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam sẵn sàng triển khai.
Tính đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 6.493 ha rừng và đất lâm nghiệp; diện tích đất có rừng là 5.410,19 ha, đạt tỷ lệ che phủ 6,26%. Riêng rừng phòng hộ của tỉnh có hơn 2.900 ha.
Mặc dù diện tích rừng tuy không nhiều, nhưng với một tỉnh đồng bằng như Hà Nam lại rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, rừng Hà Nam được phân bố trên địa bàn 18 xã/thị trấn thuộc các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục và thị xã Duy Tiên; trong đó, tập trung chính ở huyện Thanh Liêm và huyện Kim Bảng với tổng diện tích là 5.374,7 ha chiếm 99,4% diện tích rừng của toàn tỉnh.
Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu là rừng tái sinh trên núi đá vôi với thảm thực bì và các loài cây thấp không có trữ lượng gỗ do UBND cấp xã quản lý, bảo vệ. Diện tích trồng rừng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng được giao về cho UBND cấp xã quản lý và khoán cho các hộ trồng rừng. Rừng trồng chủ yếu là cây keo, thông lấy nhựa và một số cây ăn quả nhãn, vải chua.
Trong điều kiện thời tiết khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, để chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Hà Nam đẩy mạnh thực hiện Văn bản số 285/BNNMT-LNKL, ngày 20/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, ứng phó kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra.
Đồng thời thực hiện nghiêm quy định của Luật Lâm nghiệp, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, tính mạng và tài sản của Nhân dân, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có hiệu quả về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh.
Tính đến năm 2024, diện tích đất có rừng của Hà Nam là hơn 5.410 ha.
UBND các huyện, thị xã có rừng kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo vệ và Phát triển rừng bền vững cấp huyện, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành việc thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR hàng năm. Phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên, chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng, phương án PCCCR. Tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch PCCCR đến tận địa bàn, cơ sở, chủ rừng đảm bảo lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy tại chỗ để chủ động chữa cháy rừng ngay từ ban đầu; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội tăng cường các biện pháp kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng, phát đốt rừng trái phép và những hành vi dùng lửa ở những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao;
Kiên quyết không cho các đối tượng không có phận sự vào khu vực rừng có nguy cơ cháy trong thời kỳ cao điểm của mùa khô hanh; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc đốt nương rẫy ở những nơi được phép, không để xảy ra cháy, lan ra khu vực xung quanh. Các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành lâm nghiệp trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện tốt các nội dung về PCCCR;
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương chữa cháy rừng; đôn đốc việc tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR đảm bảo an toàn về lửa trong suốt thời kỳ cao điểm của đợt nắng nóng, khô hạn. Chỉ đạo các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội thực hiện tốt Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ; xây dựng Quy chế, Kế hoạch phối hợp giữa Ban Chỉ huy Quân sự, Công an, Hạt Kiểm lâm, phòng Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị Quân đội, Công an đóng trên địa bàn trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR.
Huy động lực lượng, trang thiết bị và phương tiện hiện có vào việc chữa cháy rừng, thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ; điều tra làm rõ nguyên nhân cháy rừng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật và chủ rừng thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có đồi rừng, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chỉ đạo các cơ quan, báo đài trong địa bàn tỉnh tăng thời lượng phát thanh cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật về PCCCR; nghiêm cấm việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng. Nghiêm cấm các Công ty, doanh nghiệp khai thác khoáng sản sử dụng lửa trong việc xử lý thực bì trước, trong và sau khi khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có rừng thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra cháy rừng và phá rừng trên địa bàn quản lý.
Lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam giám sát, tuần tra rừng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các địa phương, đơn vị trong việc tuần tra bảo vệ rừng, kiểm soát lửa trong rừng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp có thể gây cháy rừng; theo dõi, cập nhật các thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tổ chức tuần tra, canh gác tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng; bố trí lực lượng thường trực 24/24h tiếp nhận và xử lý thông tin về PCCCR, thực hiện tốt việc theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR.
Tăng cường lực lượng Kiểm lâm đến các khu vực trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCCR, đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng và đốt nương làm rẫy. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát, chủ động các phương án sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường và Công an tỉnh xây dựng Quy chế, Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định tại Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ. Bên cạnh đó, các ban ngành, đơn vị liên quan chủ động các phương án sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra…/.
Minh Thuỳ
Bình luận