Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Chủ nhật, 03/04/2022 16:04
TMO - Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội cùng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia.
Trước tình trạng tài nguyên nước đang chịu nhiều tác động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Nguồn nước ngầm hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều thách thức: nước thải, rác thải ô nhiễm thẩm thấu xuống mạch nước, việc khai thác quá mức dẫn đến suy kiệt, nhiều nơi còn xảy ra hiện tượng sụt lún.
Nếu không có giải pháp quản lý tốt việc khai thác nước ngầm thì tốc độ sụt lún tại các tỉnh ĐBSCL sẽ ngày càng gia tăng
Năm 2021, gần 21.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của thiên tai. Cùng với đó, hạn hán còn gây sạt lở, sụt lún tại 1.300 điểm với chiều dài hơn 42km đường giao thông trên địa bàn tỉnh; 43.583ha rừng bị khô hạn với nguy cơ cháy rừng cấp báo động cao nhất.
Phần lớn người dân tại địa phương này đã tự khoan giếng do nhu cầu khó khăn về nước sạch. Tuy nhiên, nhiều vùng không sử dụng được vì nước bị nhiễm bẩn, phèn mặn... Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm có nguy cơ gây sụt lún đất, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
Ngay từ đầu mùa khô 2021-2022, Tiền Giang đã triển khai các phương án phòng, chống hạn-mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống tại các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ phía Tây…
Cống Xuân Hòa đang tăng cường lấy nước ngọt để phục vụ cho sản xuất tại vùng ngọt hóa Gò Công
Đặc biệt, tỉnh đầu tư gần 38 tỷ đồng thi công các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán diện rộng và xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào thượng nguồn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Các công trình này giúp bảo vệ trên 74.000ha đất trồng cây ăn quả chuyên canh tại các huyện, thị vùng dự án Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, trên 49.000ha đất canh tác lúa trong vụ Đông Xuân 2021-2022 và trên 2.800ha rau màu chuyên canh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước khoảng 57% các doanh nghiệp sử dụng nước ngầm, tổng công suất khai thác của cả khu vực doanh nghiệp và dân cư đạt khoảng 600 ngàn m3/ngày. Tại vùng ven biển, đặc biệt là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi mà nước dưới đất được sử dụng chính cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thì việc khai thác nguồn nước ngầm đang ngày càng gia tăng.
Bên cạnh việc thiếu nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân cũng sẽ phải đối mặt với việc thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sinh kế, nếu không có giải pháp để sử dụng nước hiệu quả ngay từ bây giờ.
Để bảo vệ nguồn nước dưới đất, giảm sự ô nhiễm, tỉnh Cà Mau lên kế hoạch đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện mang tính kết nối, chia sẻ nguồn nước, đảm bảo hiệu quả, bền vững, việc cấp nước phục vụ nhân dân, giảm lượng nước khai thác quỹ đất.
Nhằm chủ động ứng phó hạn mặn mùa khô 2021-2022 ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Chỉ thị cùng phương án ứng phó với hạn mặn. Ngoài việc bảo vệ sản xuất, vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các huyện phía Đông cũng được quan tâm.
Tỉnh Tiền Giang đắp đập thép ngăn mặn tại ngã ba kênh Nguyễn Tấn Thành, giáp với sông Tiền
Đến thời điểm hiện nay, tỉnh cũng đã triển khai đắp đập Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền vào để đảm bảo nguồn nước cho 2 tỉnh Tiền Giang, Long An và bảo đảm cấp nước cho 800 ngàn người dân ở thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông. Ngoài việc đắp đập, ngăn mặn, trữ ngọt, tỉnh đã vận hành các giếng dự phòng để cấp nước cho nhà máy nước Đồng Tâm cũng như nhà máy nước Bình Đức, đem nguồn nước về cho các huyện phía Đông.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo nguồn nước cho vùng thiếu nước, xâm nhập mặn trước hết các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm cần hạn chế khai thác lưu lượng nước dưới đất quá lớn tại các khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn (ít nhất giảm việc khai thác khoảng 1% cho mỗi năm).
Các khu vực ven biển nên có quy hoạch khu vực khai thác nước an toàn đối với mỗi lưu lượng khai thác nước nhằm hạn chế dịch chuyển ranh giới mặn nhạt và giảm tốc độ xâm nhập mặn. Cùng với đó, các vùng cần thực hiện giải pháp tăng cường quản lý giếng nước ngầm chỉ làm giảm tốc độ sụt lún chứ không ngăn hoàn toàn hiện tượng lún.
Ngoài biện pháp lưu trữ nước ngọt, tiết kiệm sử dụng nước và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, có thể áp dụng kỹ thuật bổ cập nước ngầm nhân tạo bằng cách bơm nén nguồn nước ngọt từ nước mưa, nước lũ, nước sông sạch xuống các vỉa nước dưới đất để dần dần phục hồi trữ lượng như trước đây.
Diệu Thúy
Bình luận