Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ tư, 17/04/2024 08:04
TMO - Nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ còn kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, đây cũng là thời điểm gia tăng số người bị chó, mèo cắn, có khả năng mắc bệnh dại. Đáng tiếc là thói quen nuôi chó, mèo thả rông không tiêm ngừa trong cộng đồng vẫn chưa được xử lý triệt để, càng khiến nguy cơ bệnh dại gia tăng.
Khoảng 13 giờ ngày 14/4/2024, chị Nguyễn Thị Thùy Trang đang ở nhà tại số 14 Nguyễn Du, thị trấn Kiến Đức, tỉnh Đắk Nông phát hiện một con chó khá to màu vàng đi lang thang vào nhà rồi nhảy xuống hồ nước. Thấy con chó lạ, chị Trang định đuổi đi bỗng con chó bất ngờ tấn công cắn chặt vào chân. Rất may trong nhà có nhiều người chạy ra can thiệp kịp thời, nên con chó mới bỏ đi. Qua kiểm tra, chị Trang phát hiện vết cắn rất sâu, phải đến cơ sở y tế điều trị và tiêm ngừa dại.
Con chó này sau khi cắn chị Trang đã cắn thêm một số người nữa. Theo người dân địa phương, con chó này thường lang thang khắp nơi quanh khu vực các trường học, công viên quảng trường thị trấn Kiến Đức, vào nhà người dân, khiến nhiều người lo sợ. Sau khi hay tin có nhiều người bị chó cắn, người dân đã tổ chức tìm kiếm và tiêu hủy con chó này. Đến nay cũng chưa xác định được chủ vật nuôi là ai.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang tại thị trấn Kiến Đức, tỉnh Đắk Nông đến cơ sở y tế tiêm ngừa dại sau khi bị một con chó lạ cắn nhiều vết sâu.
Ngày 15/4, công an xã Tân Thành huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cũng đã mời anh BVN trú tại thôn 2, làng Bát lên xử phạt hành chính vì để chó thả rông cắn một cháu bé 3 tuổi trên địa bàn xã gây thương tích. Trước đó, vào ngày 27/3, con gái chị Trịnh Quỳnh Dung (tỉnh Hà Giang) 5 tuổi đang chơi trên vỉa hè thì bị một con chó lạ bỗng từ đâu chạy lại cắn gây thương tích nặng.
Còn tại Thanh Hóa, từ ngày 16/3 đến nay, trên địa bàn thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa xuất hiện 3 con chó nghi mắc bệnh dại đã cắn nhiều người. Trong đó, 1 con chó đã cắn 4 người, hiện chưa tìm được; 1 con cắn 2 người đã bị người dân tiêu hủy; con còn lại cũng bị tiêu hủy lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh dại. Hiện đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dại động vật.
Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, sau khi phát hiện hai ổ dịch, huyện đã thực hiện tiêu hủy 30 con chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chó chạy rông trong vùng dịch, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng môi trường; tiêm phòng bao vây bằng vaccine dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn vùng dịch và vùng bị uy hiếp. Chủ tịch UBND huyện cũng đã ban hành quyết định công bố dịch 2 địa bàn là thị trấn Hồi Xuân và xã Phú Nghiêm. Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa yêu cầu các xã phải rà soát, thống kê chính xác tổng đàn chó, mèo trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng.
Tại Cần Thơ, theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cần Thơ, trong 3 tháng đầu năm 2024 có 5.774 người bị cho mèo cắn đến tiêm ngừa, tăng trên 1.400 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Bình Dương, trong 3 tháng đầu năm nay số người bị chó mèo cắn phải đi tiêm ngừa dại tăng. Các phòng tiêm chủng trong tỉnh đã tiêm 4.500 mũi ngừa dại cho người dân.
Năm nay, thời tiết nắng nóng bất thường và có nhiều người bị chó dại cắn và đã có không ít người tử vong nên càng dấy lên nỗi lo lắng bất an khi mà tình trạng người nuôi chó vẫn thả chó chạy rông. Anh Nguyễn Phi Long, làm nghề giao gas ở huyện Thuận An (Bình Dương) cho hay do làm nghề giao gas nên anh thường xuyên đối diện với nguy cơ bị chó cắn. “Đến nhà giao gas, nhìn thấy chó của gia chủ không cột xích là hoảng nhưng chủ nhà hầu hết đều nói chó nhà hiền lắm. Ừm thì hiền, mà mỗi năm tôi bị chó lấy sẹo vài lần”. Anh Long cho hay.
Tình trạng nuôi chó, mèo thả rông nhất là khi chưa được tiêm phòng dại khiến nguy cơ người mắc bệnh dại khi bị chó cắn gia tăng. Ảnh: QĐ.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023). 30/63 tỉnh thành, phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8. Miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%). Nguyên nhân gây tử vong cao là do 100% số ca tử vong dại không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc tiêm không đúng chỉ định.
Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người; Công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người.
Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai cấp bách, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn. Các địa phương bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vọng do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.
Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Các địa phương bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Khi chẳng may bị vật nuôi lạ và kể cả vật nuôi của mình cắn, cào, liếm thì việc xử trí, dự phòng sau khi phơi nhiễm rất quan trọng. Người bị phơi nhiễm virus dại ngay lập tức cần được rửa vết thương thật kĩ trong vòng 15 phút bằng nước sạch hoặc xà phòng. Tiếp đến, cần sát khuẩn vết thương bằng cồn y tế để giảm thiếu tối đa lượng virus dại có trong vết thương. Trong quá trình xử lý, chú ý tránh làm tổn thương, đắp kín vết thương. Sau đó, bắt buộc người bệnh phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám, tiêm ngừa dại và có thể tiêm huyết thanh kháng dại (khi có chỉ định của bác sĩ). Bên cạnh đó, cần theo dõi vật nuôi đã cắn, nếu cần thiết nên đưa vật nuôi đến cơ sở thú y để thăm khám và điều trị.
NHẤT - BA
Bình luận