Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ tư, 31/01/2024 08:01
TMO – Giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình phát biển sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản xuất rong biển là một ngành đầu tư thấp, có lợi cho môi trường và tạo ra sinh kế cho người nghèo. Rong biển có nhiều giá trị và lợi ích về dinh dưỡng, là thực phẩm giàu khoáng chất và các nguyên tố vi lượng; rong biển có thể sản xuất nhiên liệu sinh học, mỹ phẩm, nhựa sinh học; rong biển có thể làm dược liệu, thực phẩm chức năng nhờ đặc tính chống viêm và chống ô-xy hóa; rong biển cũng được chứng minh có khả năng hấp thụ các-bo-nic, ni-tơ, phốt-pho hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm a-xít hóa đại dương; rong biển giúp tạo sinh kế, thu nhập cho cộng đồng người dân ven biển; rong biển có thể làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón giúp kích thích tăng trưởng, giảm khí mê-tan trong chất thải động vật.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Ảnh: V.H
Trên thế giới, sản lượng rong biển trong giai đoạn 2015 - 2020 tăng nhanh, đạt trên 35 triệu tấn. Rong biển nuôi trồng chiếm tỉ trọng lớn nhất tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippin,… Có khoảng trên 200 loài rong có thể sản xuất thương mại, trong đó trồng chính có khoảng 27 loài mang lại giá trị thương mại khoảng 8,3 tỷ USD mỗi năm.
Hiện nay, ngành hàng rong biển Việt Nam phát triển tập trung ở vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung Bộ, so với tiềm năng và lợi thế trên 800 loài rong biển tự nhiên, 88 loài kinh tế, song chỉ có 3 nhóm chính được trồng là rong sụn, rong câu và rong nho. Đến năm 2023, diện tích trồng rong vào khoảng 16.500 ha, trong số 900.000 ha có tiềm năng phát triển trồng rong, sản lượng 150.000 tấn mỗi năm.
Bên cạnh một số thách thức như chất lượng giống không đảm bảo, cạnh tranh diện tích, thông tin về quy chuẩn tiêu chuẩn, ứng dụng khoa học công nghệ, thị trường và lợi nhuận. Tuy nhiên, ngành rong biển cũng cho thấy nhiều cơ hội trong bối cảnh hướng tới nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải, sử dụng dược mỹ phẩm có nguyên liệu từ rong biển, khả năng hấp thụ CO2 gấp 5 lần thực vật trên cạn, sản xuất sản phẩm xanh năng lượng sạch,…
Định hướng phát triển nuôi biển, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình phát biển sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.
Theo các chuyên gia, nghề nuôi trồng rong biển mang lại lợi ích cao cho toàn bộ hệ sinh thái biển và tạo ra môi trường phát triển bền vững, là nơi phát triển loại thủy hải sản khác. Do đó, nên đẩy mạnh hướng đi phát triển sản phẩm rong gắn với du lịch trải nghiệm với giá trị to lớn của nó mang lại. Để thực hiện chuỗi rong đơn thuần gần như thất bại, bà con không có công nghệ, để hiệu quả phải xen canh và kết hợp với du lịch. Thiếu thông tin về ngành rong sụn và truyền thông nên sự phối hợp của địa phương với doanh nghiệp giống và nuôi trồng chưa tốt. Cần xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam cho ngành hàng rong biển, cũng quy hoạch chi tiết cho nuôi trồng rong biển.
THIÊN LÝ
Bình luận