Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ năm, 05/12/2024 07:12
TMO – Nhiều dự án luật sửa đổi liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường: Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Điện lực, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 được tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1, từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11 và Đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 30/11. Tại Kỳ họp này, liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường, Quốc hội đã thông qua 6 luật và 2 Nghị quyết có liên quan.
Kỳ họp thứ 8 thông qua nhiều dự án luật sửa đổi.
Cụ thể, Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Luật gồm 12 chương, 111 điều, quy định một số nội dung cơ bản về: Việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; Bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; Hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản; Chế biến khoáng sản thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam…
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Luật gồm 09 chương, 80 điều, quy định một số nội dung cơ bản như: Quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực; Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; Giấy phép hoạt động điện lực; Thị trường điện cạnh tranh, hoạt động mua bán điện; Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; Quản lý nhà nước về điện lực…
Quốc hội thông qua Luật Điện lực. Ảnh minh họa.
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Luật gồm 9 chương, 95 điều với một số nội dung mới như: Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; Quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; Quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; Bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; Quy định bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu…
Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Luật gồm 08 chương, 55 điều, quy định một số nội dung nổi bật như: Trách nhiệm báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Các hành vi bị nghiêm cấm; Phòng cháy đối với nhà ở; phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phòng cháy đối với cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (nhà, công trình, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc mục đích khác, được xây dựng, hoạt động theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục do Chính phủ quy định); phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất; Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy và tham gia cứu nạn, cứu hộ; thành lập, quản lý và hoạt động lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng; xử lý đối với cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành…
Với Luật Dược (sửa đổi), Quốc hội thông qua luật này. Luật gồm 03 điều, trong đó, sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 02 điểm, 02 khoản và 01 điều của Luật hiện hành và bổ sung 03 điều mới, với những điểm mới cơ bản là: Tạo hành lang pháp lý cho các hình thức, phương thức kinh doanh mới là cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử; Cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài ngay trong Luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước; Mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu, cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong việc bán trực tiếp cho một số cơ sở y tế, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở kiểm nghiệm, cơ sở nghiên cứu, đào tạo và một số cơ sở khác; cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhập khẩu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh nhân tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Bãi bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc; tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò của Sở Y tế trong thu hồi để kịp thời xử lý thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn quản lý, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả; Quy định các biện pháp quản lý về giá để phù hợp với Luật Giá và biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc...
Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật gồm 05 chương, 59 điều, quy định một số nội dung cơ bản như: Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 05 loại, 03 cấp độ quy hoạch, các trường hợp phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; trong đó, giản lược tối đa các trường hợp phải lập quy hoạch và cấp độ quy hoạch phải lập; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương tới địa phương; Quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, lựa chọn tổ chức tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác quy hoạch.
(Ảnh minh họa)
Cũng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, Quốc hội thông qua 12 dự án luật khác. Với Nghị quyết liên quan đến tài nguyên, môi trường, Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết. Cụ thể: Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất được ban hành gồm 6 điều, quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đối với các trường hợp: Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất; Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất; Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất; Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. HCM, TP. Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
VĂN NHI
Bình luận