Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ sáu, 08/04/2022 11:04
TMO - Cả nước hiện đang có khoảng gần 1.000 cụm công nghiệp, trong đó phần lớn đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, số lượng cụm công nghiệp có biện pháp bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải chỉ chiếm khoảng 20%.
Theo Bộ Công Thương, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật liên quan đến bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn. Công tác thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại nhiều cụm công nghiệp chưa đúng quy định pháp luật bảo vệ môi trường. Đa số các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tại các cụm này doanh nghiệp thứ cấp tự xử lý nước thải hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc phát triển cụm công nghiệp thiếu quy hoạch đồng bộ, nóng vội, nhiều cụm không xác định rõ chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, không xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tối thiểu trước khi chấp thuận cho doanh nghiệp vào đầu tư, dẫn tới tình trạng cơ cở hạ tầng thiếu đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường.
Trạm thu gom, xử lý nước thải tại một khu công nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp khá tốn kém, hiệu quả kinh tế mang lại cho chủ đầu tư không cao, thậm chí đầu tư ra không có doanh nghiệp đấu nối, không có nước thải để xử lý nên chủ đầu tư phải rất cân nhắc. Mặt khác, trong khi phần lớn chủ đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không nắm rõ quy định về môi trường nên việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý rác thải, nước thải chưa theo quy định.
Các chuyên gia cũng chỉ ra, do áp lực thời gian và thiếu chủ đầu tư hạ tầng ngay từ ban đầu nên hầu hết các cụm công nghiệp trước đây không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), làm phát sinh rất nhiều hệ luỵ về môi trường. Xử lý chất thải CCN phải có quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, với hàng loạt các công đoạn đấu nối - thu gom - xử lý - xả ra nguồn tiếp nhận, để làm được điều này, trong điều kiện không có quy hoạch ngay từ khi hình thành cụm công nghiệp là vấn đề hết sức nan giải.
Khắc phục vấn đề này, các chuyên gia khuyến nghị, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát lại các cụm công nghiệp đã thành lập trên địa bàn để có phương án quy hoạch đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp thông qua quy hoạch hạ tầng cụm công nghiệp hoàn chỉnh, đồng bộ. Có thể tạm dừng việc quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp thay bằng khu công nghiệp. Chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án mới vào cụm công nghiệp đã có đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Đẩy mạnh chính sách xã hội hoá thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thay vì đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước như hiện nay.
Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp. Tiếp nhận các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp cần đảm bảo thống nhất quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các cụm công nghiệp. Không tiếp nhận thêm các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trong trường hợp chưa hoàn thành xây dựng.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với cụm công nghiệp, sát thực tế. Rà soát, ban hành danh mục ngành nghề có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường để cấm và hạn chế vào cụm công nghiệp. Khuyến khích các chủ đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từng giai đoạn. Tăng cường phổ biến, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý cụm công nghiệp, nhà đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp trong cụm công nghiệp…
Vũ Minh
Bình luận