Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ bảy, 30/04/2022 07:04
TMO - Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ đã đạt 15,96 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm 2020 và xuất siêu đạt 13 tỷ USD.
Thời gian qua, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam gặp không ít khó khăn do cung cầu gỗ nguyên liệu trên thế giới biến động rất lớn. Trong chế biến gỗ xuất khẩu, nguyên liệu đóng vai trò quyết định và thường chiếm từ 40-60% trong cơ cấu giá thành của sản phẩm. Hàng năm, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn để phục vụ sản xuất.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã bị chậm lại. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.
Cần chủ động nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Mặc dù công tác trồng rừng nguyên liệu đã đạt được những thành quả khả quan, nhưng vẫn chưa đủ để cung cấp đủ gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt 17 tỷ USD vào năm 2022 và 20 tỷ USD vào năm 2025 theo Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện việc trồng rừng nguyên liệu còn nhiều hạn chế, dẫn đến chưa đáp ứng đủ lượng gỗ nguyên liệu cho chế biến, lượng gỗ nhỏ, non chiếm tỷ lệ lớn, không thể sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao. Lượng gỗ có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp.
Để ổn định nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước, vấn đề cấp bách hiện nay là phải chủ động nguồn gỗ nguyên liệu, gỗ rừng trồng sẽ là cứu cánh quyết định sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiện gỗ rừng trồng mới chỉ đáp ứng được 60-65% nhu cầu sử dụng nội địa và xuất khẩu, trong thời gian tới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng rừng trồng, bao gồm thúc đẩy phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững, đa dạng các loài để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới.
Tính đến hết tháng 3/2022 tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180 nghìn ha, tương đương khoảng 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam. Cùng đó, năng suất rừng trồng vẫn còn quá thấp, nhiều diện tích mới chỉ đạt 10-15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kiến nghị cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể phát triển cả chuỗi từ trồng rừng, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Việt Nam cần phấn đấu sản lượng gỗ tròn khai thác từ rừng trồng sản xuất đạt 35 triệu m3 vào năm 2025, 50 triệu m3 vào năm 2030. Đồng thời, phấn đấu diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025, trên 1 triệu ha giai đoạn 2026 - 2030.
Các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trồng rừng. Cùng với đó, phải có Quy hoạch quốc gia ngành lâm nghiệp Việt Nam. Trong đó tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng trồng sản xuất hiện có; diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất; tạo vùng nguyên liệu tập trung, đủ lớn; gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần phải có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng hệ thống dữ liệu cung - cầu đối với gỗ nguyên liệu cũng như nghiên cứu đề xuất với Chính phủ đề án phát triển nguyên liệu gỗ rừng trồng với chính sách đột phá vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến lại vừa cam kết giảm phát thải.
Bùi Hoàng
Bình luận