Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ năm, 11/01/2024 11:01
TMO – Cùng với nhiều thành phố khác trên thế giới, TP. HCM đang đối mặt với nhiều thách thức trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt, TP. HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước (chủ yếu từ năng lượng và giao thông).
Theo đó, trước nhiệm vụ phải lấy lại đà tăng trưởng và trước những thách thức mang tính thời đại, TP. HCM cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng; có trách nhiệm, tiên phong trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; đồng thời, nhận nhiệm vụ là địa phương đầu tiên, có trách nhiệm lớn nhất trong thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM với những cơ chế rất vượt trội sẽ đem lại những thuận lợi rất căn bản; là những định hướng, khung pháp lý để TP. HCM có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, giúp quá trình chuyển đổi xanh, giảm phát thải được nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.
TP. HCM đang hướng đến mục tiêu phát triển giao thông xanh. Ảnh minh họa
Cụ thể, Nghị quyết 98 cho phép các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang xử lý có thu hồi năng lượng được xem xét bổ sung khối lượng theo hình thức đặt hàng (không phải tổ chức đấu thầu). Điều này sẽ giúp cho thành phố đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải từ công nghệ chôn lấp sang đốt rác phát điện.
Về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông (là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất của thành phố), TP.HCM sẽ được ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.
Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, thành phố được thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn từ 3.000 tỷ trở lên; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tíc hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), Chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn từ 30.000 tỷ trở lên.
Về phát triển năng lượng tái tạo, Quốc hội cho phép các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công được lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Như vậy, thời gian tới, TP.HCM sẽ có thêm nguồn cung điện tại chỗ là điện mặt trời mái nhà từ các đơn vị hành chính sự nghiệp (khoảng 166MWp), giúp giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính... Đặc biệt, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon để phục vụ các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2023. Nghị quyết 98 không chỉ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM một cách mạnh mẽ mà còn tạo cơ chế để thành phố huy động nguồn lực đầu tư bằng những cơ chế vượt trội, thí điểm những mô hình phát triển mà pháp luật chưa quy định, hoặc là quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn. Những mô hình thí điểm này được kỳ vọng sẽ tạo được đột phá mới trong phát triển của TP.HCM nói riêng, cho cả nước nói chung.
An Nhi
Bình luận