Hotline: 0941068156
Thứ năm, 29/05/2025 02:05
Thứ ba, 27/05/2025 13:05
TMO - Tỉnh Nghệ An sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh thông qua kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh...nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đến năm 2024, tỉnh Nghệ An đã tiến hành quan trắc định kỳ các thông số ô nhiễm không khí theo quy định tại QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí với độ phủ lớn về không gian; độ phủ thời gian lớn nhất là 06 đợt/năm với các thông số tổng bụi lơ lửng, SO2, NO2, CO được lấy 01 lần/ngày/đợt. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 01 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục với các thông số NO, NOx, NO2, SO2, CO, Tổng bụi lơ lửng (TSP), bụi PM2.5, bụi PM10 và đã đưa vào vận hành từ năm 2020.
Chất lượng môi trường không khí được đánh giá dựa vào kết quả của 652 mẫu quan trắc từ Chương trình quan trắc môi trường tỉnh Nghệ An trong thời gian từ 2021-2024, 104 mẫu quan trắc thực hiện trong quá trình xây dựng Kế hoạch (tháng 4/2023) và dữ liệu quan trắc môi trường không khí của 01 trạm quan trắc môi trường không khí tự động hiện trạng chất lượng môi trường không khí tỉnh giai đoạn 2021-2024 cơ bản duy trì ở mức tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Từ kết quả mô hình và tổng hợp nghiên cứu, các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí ở Nghệ An bao gồm các nguồn thải tại chỗ và chất lượng không khí còn chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện khí tượng (gây ra các mùa/thời điểm có ô nhiễm nghiêm trọng) và hầu như không bị ảnh hưởng bởi các nguồn thải từ các vùng lân cận.
Về các nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ: các nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ được xác nhận là khí thải phát sinh từ các ống khói công nghiệp; từ các phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy, tiếp đến là xe con, xe tải và sau cùng là xe buýt); từ các bãi chôn lấp rác thải; ô nhiễm TSP từ các mỏ khai thác khoáng sản, chủ yếu do gió cuốn bụi từ các khai trường và bãi thải.
Tỉnh Nghệ An chú trọng công tác kiểm soát khí thải tại các khu, cụm công nghiệp.
Với việc xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, thời gian tới tỉnh Nghệ An tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh thông qua kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải; tăng cường giám sát chất lượng không khí xung quanh; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần vào việc hoạch định chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự phát triển bền vững của tỉnh, phấn đấu đưa tỉnh Nghệ An trở thành địa phương có chỉ số chất lượng môi trường không khí luôn đạt mức tốt.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu trên, địa phương này chú trọng kiểm soát các nguồn thải, nguy cơ gây ô nhiễm không khí trên địa bàn. Trong đó, kiểm soát nguồn điểm thông qua khuyến khích các cơ sở sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, gạch ngói, cơ sở y tế có lò đốt chất thải rắn y tế, lò đốt rác sinh hoạt và các cơ sở công nghiệp khác có phát sinh bụi, khí thải đang sử dụng các trang thiết bị có hiệu suất thấp, công nghệ lạc hậu có kế hoạch thực hiện đầu tư, đổi mới cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý khí thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn khí thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06/01/2025 của Chính phủ đầu tư lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục; giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt, vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định.
Xử lý nghiêm, yêu cầu dừng, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở phát sinh khí thải vượt quy chuẩn, tái phạm nhiều lần. Khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có sử dụng các lò hơi chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu sạch. Tiến tới 100% cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục phải thực hiện đầu tư, lắp đặt trước khi đi vào hoạt động; không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng;
Với các nguồn di động: Địa phương này loại bỏ và nghiêm cấm 100% các phương tiện xe cơ giới không đủ điều kiện tham gia giao thông; khuyến khích các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, năng lượng xanh. Kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông. Tập trung bố trí nguồn lực, nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông.
Tăng cường xã hội hóa phát triển vận tải hành khách công cộng và dịch vụ hỗ trợ vận tải; mở các tuyến buýt kế cận từ trung tâm đô thị kết nối với địa phương xung quanh; lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng và nhu cầu đi lại; tổ chức xe buýt kết nối với các hình thức vận tải khác trong địa bàn; sắp xếp hợp lý tuyến liên tỉnh, mở các tuyến chất lượng cao (xây dựng các tuyến vận tải khách theo tuyến cao tốc); khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ sở khai thác mỏ hiện đại hóa công nghệ khai thác, chú trọng công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (Ảnh minh họa).
Với nguồn diện, Nghệ An đặt mục tiêu 100% khu vực khai thác khoáng sản phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác; kiểm soát tốt các hoạt động đốt rác của cá nhân, tổ chức không đúng nơi quy định theo địa bàn; kiểm soát tốt các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và các khu vực trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Các cơ sở khai thác mỏ hiện đại hóa công nghệ khai thác, chú trọng công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện xanh hóa môi trường khu vực khai khoáng, thiết lập các vành đai cây xanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động khai khoáng, sản xuất kinh doanh đến người dân, môi trường, cảnh quan du lịch, khu đô thị xung quanh khu vực khai thác khoáng sản tại các huyện Quỳ Châu, huyện Quỳ Hợp, huyện Tương Dương, huyện Tân Kỳ, thị xã Hoàng Mai...
Đối với việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt: thực hiện đúng Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND ngày 30/7/2024 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong các khu dân cư vào khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); loại bỏ các CCN không phù hợp ra khỏi Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường quản lý, kiểm soát các nguồn thải; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, công khai thông tin về hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hạn chế tối đa việc phát sinh các điểm nóng, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, nghiên cứu lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc tự động, liên tục tại các khu vực đông dân cư, khu du lịch, một số KCN có nguy cơ tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường định kỳ hàng năm để theo dõi liên tục, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu theo dõi thường xuyên diễn biến chất lượng môi trường, dự báo được chất lượng môi trường không khí, kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường.../.
Lê Ngọc
Bình luận