Hotline: 0941068156
Thứ ba, 20/05/2025 12:05
Thứ hai, 19/05/2025 14:05
TMO - UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt 38.008 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hưởng lợi nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) năm 2025.
Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt 38.008 đối tượng hưởng lợi chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại 15 xã thuộc huyện Anh Sơn; 12 xã thuộc huyện Con Cuông; 2 xã thuộc huyện Diễn Châu; 1 xã ở huyện Đô Lương; 18 xã thuộc huyện Kỳ Sơn; 15 xã huyện Nghĩa Đàn; 12 xã ở Quế Phong; 12 xã huyện Quỳ Châu; 19 xã huyện Quỳ Hợp; 4 xã huyện Quỳnh Lưu; 18 xã của huyện Tân Kỳ; 1 xã thuộc thị xã Hoàng Mai; 9 xã huyện Thanh Chương; 17 xã huyện Tương Dương; 10 xã thuộc huyện Yên Thành và 7 xã, phường thuộc thị xã Thái Hòa.
UBND tỉnh cũng phê duyệt 40 đối tượng hưởng lợi chủ rừng là tổ chức quản lý hơn 500.000ha rừng và 178 xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý hơn 73.000 ha rừng tự nhiên. UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh căn cứ danh sách đối tượng hưởng lợi được phê duyệt tại quyết định này lập kế hoạch tài chính năm 2025 theo đúng quy định.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thực hiện các hoạt động của các đối tượng hưởng lợi từ ERPA theo quy định.
Nguồn kinh phí từ ERPA đã góp phần khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng (Ảnh minh họa).
Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các đơn vị, địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng là tổ chức, UBND xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng tiền ERPA trong năm 2024. Sau đó, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán kinh phí sử dụng năm 2024 theo đúng danh sách đối tượng hưởng lợi và diện tích rừng được chi trả.
Chương trình chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã và đang trở thành động lực mạnh mẽ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Nghệ An. Nguồn kinh phí từ ERPA đã góp phần khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, giảm thiểu các vụ vi phạm lâm luật. Người dân tham gia tuần tra, bảo vệ rừng được nhận tiền từ cộng đồng có thoả thuận với chủ rừng là tổ chức sẽ giảm áp lực cho cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng; góp phần làm cho sợi dây gắn kết giữa các chủ rừng là tổ chức với chính quyền địa phương và người dân ngày càng khăng khít bền chặt hơn.
Cùng với việc hỗ trợ trực tiếp cho công tác bảo vệ rừng, nguồn kinh phí này cũng đã hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng dân cư. Nhờ đó các công trình công cộng của cộng đồng sống gần rừng như: nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa và các công trình khác được hỗ trợ xây dựng; góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sự phát triển của các mô hình du lịch cộng đồng.
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ là thỏa thuận chuyển nhượng carbon được ký vào tháng 10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), đơn vị nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF). Theo Thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 và bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho FCPF trong giai đoạn 2018 - 2025 với tổng số tiền 51,5 triệu USD.../.
Lê Hằng
Bình luận