Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
Thứ sáu, 29/04/2022 10:04
TMO – “Phố biến thành sông” hay “chèo thuyền trên phố”…là những câu từ ví von mang hàm nghĩa về thực trạng ngập úng được xem như vấn nạn tại các thành phố, khu đô thị. Vấn đề không gì mới mẻ nhưng lại luôn nóng mỗi khi vào mùa.
Nếu như Hà Nội và TP. HCM người dân đã quá quen thuộc với cảnh cứ mưa là ngập, nhiều người còn ví von ngập úng là “món đặc sản” của 2 đô thị này thì giờ đây tình trạng ngập úng xuất hiện khá phổ biến tại nhiều khu đô thị vừa và nhỏ khác khiến không ít người ngỡ ngàng.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường bao gồm ô nhiễm không khí, nước và chất thải rắn… Trong đó, các yếu tố chính góp phần ảnh hưởng đến những vấn đề này như: Tốc độ tăng dân số cao; đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh; thực thi luật pháp về bảo vệ môi trường hạn chế; nguồn lực về bảo vệ môi trường không đủ và đặc biệt là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Điều này dẫn đến những áp lực lớn đối với môi trường đô thị, đặc biệt là các hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó phải kể tới hệ thống thoát nước đã lỗi thời, không bắt kịp tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay.
Không chỉ Hà Nội và TP. HCM, ngật lụt đã xuất hiện phổ biến ở các khu đô thị, thành phố vừa và nhỏ khác.
Ngập úng đang có xu hướng lan rộng từ các đô thị vùng đồng bằng, duyên hải ven biển đến các đô thị vùng trung du miền núi và cao nguyên. Để giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị được xem là vấn nạn này, những năm qua các cấp ngành, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp (tình thế ngắn hạn có, căn cơ dài hạn có) khá tốn kém nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Hiện nay, nhiều thành phố đang có xu hướng sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ứng phó với ngập lụt đô thị, giảm thiểu tác động của ngập lụt tới xã hội. Xu hướng này dẫn tới việc xây dựng các giải pháp công trình, công nghệ như: Tường ngăn lũ, đắp đê hoặc xây hệ thống thoát nước có thể góp phần phát triển đô thị. Tuy nhiên, giải pháp này cũng tiềm ẩn những rủi ro vì không đủ sức chống chịu với lũ lụt, nhất là khi lũ lụt mang tính dị thường, nghiêm trọng xảy ra.
Để giải quyết vấn đề ngập úng đô thị, theo các chuyên gia, không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tích hợp các giải pháp mang tính liên vùng theo lưu vực sông, theo toàn đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị, từng khu vực đô thị, thậm chí từng công trình cụ thể. Từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình: Bơm, đê, cốt nền, hồ điều tiết đến các giải pháp mềm như bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cả các giải pháp triệt thoái đô thị tại các khu vực chịu ảnh hưởng quá lớn của ngập úng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, việc kêu gọi sự tham gia của khối tư nhân là cần thiết để tăng nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần phân tích, tính toán kỹ, có tầm nhìn đến mật độ dân cư, tỷ lệ bê tông hóa, hệ thống thoát nước...đây được coi là những vấn đề mang tính cốt lõi để hóa giải tình trạng “cứ động mưa là bì bõm”.
Lê Hùng
Bình luận