Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 05/12/2023 14:12
TMO - Để củng cố thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, các doanh nghiệp Việt phải có định hướng chiến lược Chuyển đổi xanh rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả, đồng thời nỗ lực giảm phát thải từ hoạt động sản xuất.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%), xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (tương đương 16%),...
Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) cũng từng có báo cáo chỉ ra rằng, ngành dệt may đã chi khoảng 3 tỷ USD/năm cho việc tiêu thụ năng lượng. Dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm. Đặc biệt, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) thường gây bất lợi nhất cho môi trường vì sự thâm dụng nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất.
Nước thải xả ra với lưu lượng lớn và chứa nhiều hóa chất sau các quy trình xử lý. Nhiều loại hóa chất có thể được dùng trong sản xuất như thuốc nhuộm có chứa azo, PFOS và PFAS (các chất per- và poly-fluoro -alkyl) làm chất chống thấm nước, deca-BDEs làm chất chống cháy và clo để tẩy trắng… Đây cũng chính là những lý do thúc đẩy tiến trình xanh hóa, giảm phát thải từ ngành dệt may cần được tăng cường trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Việt phải có định hướng chiến lược Chuyển đổi xanh, đồng thời nỗ lực giảm phát thải từ hoạt động sản xuất.
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tư trên thế giới, với các thị trường chủ lực là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và EU. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020 là gần 38 tỷ USD. Do đặc điểm của ngành là sử dụng nhiều năng lượng, nguyên nhiên liệu và hóa chất, gây phát thải khí nhà kính cao. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) có “dấu chân carbon” lớn nhất vì sự thâm dụng nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý. Hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (Danh mục trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 18/01/2022).
Cục Biến đổi khí hậu cho biết, ngành dệt may được đặt mục tiêu và kỳ vọng trở thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế theo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Nghị định 06 đã đưa ra lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may, việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở. Ngay từ tháng 3/2025, doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Từ năm 2026, doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch, để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Trong đó, các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Trước mắt, thị trường Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR - Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025. Không chỉ thị trường EU mà tổng thể các thị trường khác, trong khoảng 3 năm trở lại đây, yêu cầu phát triển bền vững hay xanh hóa đã không còn mang tính tự nguyện, mà đã dần được định lượng trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu bằng các dòng thuế, phí.
Chẳng hạn như, theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu sẽ gặp bất lợi do trong nước chưa có thị trường carbon và giá carbon. Mức phát thải cao hơn quy định sẽ bị tính theo giá carbon tại châu Âu. Với mức giá bình quân 60 USD/tấn CO2 mà EU đang giao dịch, mỗi chiếc áo sơ mi xuất đi của Việt Nam sẽ cộng thêm khoảng 20 cent. Như vậy, riêng chi phí cho phát thải carbon đã chiếm tới 30% - 40% chi phí gia công.
Các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và nhiều đơn hàng hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải quyết liệt triển khai lộ trình xanh hóa trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đáng chú ý, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.
Chiến lược phát triển ngành Dệt may Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh.
Chiến lược phát triển ngành Dệt may Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội... Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chủ động hướng tới các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt.
Hiện nay, xanh hóa sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với bối cảnh riêng, như: Chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên…Trong quá trình chuyển đổi xanh, giảm phát thải trong hoạt động sản xuất của ngành dệt may, các doanh nghiệp phải thích ứng với việc sử dụng sợi tái chế trong sản xuất, điều này là bắt buộc. Tiếp đó, phát triển bền vững và xanh hoá đồng nghĩa doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng của các nhà máy đạt chuẩn theo yêu cầu, đánh giá của các khách hàng, tiêu chuẩn trong nước và cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Sử dụng sản phẩm thiên nhiên như năng lượng mặt trời, đầu tư cho điện áp mái. Tuân thủ những đòi hỏi của nhãn hàng, trong đó có việc không sử dụng nồi hơi đốt bằng than, dầu. Cuối cùng là tạo tính liên kết chuỗi, bắt tay để đạt các chuẩn mực, yêu cầu của nhãn hàng toàn cầu. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị: Chính phủ cần có chiến lược, chính sách cụ thể cho xanh hoá sản xuất. “Có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%, hoặc 1-2%/năm để đầu tư cho xanh hoá. Bên cạnh đó, còn cần có ý thức trong mục tiêu phát triển bền vững, xanh hóa; đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ, năng lượng tái tạo, môi trường… Cùng đó, tuyên truyền nâng cao ý thức của bộ phận quản lý và người lao động.
Minh Thu
Bình luận