Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ tư, 10/01/2024 19:01
TMO – Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, tuy nhiên ở không ít địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản (cát, sỏi) dưới lòng sông, hồ vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, cần triển khai mạnh các biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Để phục vụ các hoạt động xây dựng các dự án phát triển đô thị, phát triển kinh tế, nhiều địa phương xây dựng các công trình hạ tầng ven sông, xâm phạm hành lang bảo vệ, phòng, chống sạt, lở bờ sông. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng bất thường cũng dẫn đến sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, đặc biệt tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận...
Mặt khác, phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Các hoạt động đắp đập, chặn dòng, xây dựng công trình thủy điện và vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mekong đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm dòng chảy và phù sa vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước.
Các địa phương cần tăng cường quản lý, xử lý dứt điểm, triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.
Bên cạnh đó, tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, do đặc thù của cát, sỏi lòng sông là dễ khai thác, khai thác không có giấy phép hoặc khai thác không đúng quy định của Giấy phép khoáng sản nên tình trạng khai thác bừa bãi đang gây ra nguy cơ mất an toàn, sạt lở lòng, bờ, bãi sông.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, hồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay, đã có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh; 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh và 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước. Mặt khác, để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sạt lở lòng, bờ, bãi sông, bảo vệ hành lang nguồn nước, thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước đã và đang đẩy mạnh việc đôn đốc các tổ chức, cá nhân là chủ dự án có các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy mà chưa được phê duyệt thì thực hiện đánh giá tác động theo quy định; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước; điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lởlòng, bờ, bãi sông. Tổ chức khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi lòng sông.
Đồng thời hạn chế quy hoạch bố trí các khu đô thị, khu dân cư ven sông, kênh, rạch, đặc biệt là các khu vực bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt lở; Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát trên sông, ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép; Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ, vùng cửa sông ven biển; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông…/.
PHẠM DUNG
Bình luận