Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 12:11
Thứ năm, 26/01/2023 15:01
TMO – Các địa phương trên cả nước cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch trên địa bàn.
Từ năm 2015 đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định: số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012, theo đó, Nghị định này đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi được giao quyền khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn nội dung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý.
Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế các Nghị định số: 142/2013/NĐ-CP và 33/2017/NĐ-CP, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2020).
Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hoà kiểm tra điểm khai thác đá tại núi Hòn Chuông, huyện Diên Khánh (tháng 9/2022).
Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ, theo đó nội dung Nghị định đã bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm từ 2 đến 3 lần, đặc biệt đã quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác cát, sỏi và đã tăng mức xử phạt cao nhất theo quy định nhằm đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.
Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020). Nội dung Nghị định đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các địa phương, của lực lượng cảnh sát đường thủy đối với việc khai thác cát, sỏi trái phép nhất là ở vùng giáp ranh giữa các địa phương. Nghị định đi vào cuộc sống sẽ góp phần rất quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động khai thác và vận chuyển cát, sỏi lòng sông.
Về phía các địa phương: hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản trong đó có cát, sỏi lòng sông; ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, phê duyệt kế hoạch hoặc phương án bảo vệ khoáng sản, quy định trách nhiệm UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý khoáng sản trên địa bàn. Riêng đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông ngoài việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành; ban hành quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông … thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như quản lý chặt chẽ bến bãi, lập đường dây nóng, nghiêm cấm việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp. Đến nay các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã ban hành 52 Quy chế quản lý cát, sỏi lòng sông ở những khu vực giáp ranh, có 652 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng được cấp giấy phép hoạt động.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nội dung nhiệm vụ quy định cụ thể trong Nghị định số 23/2020/NĐ-CP nêu trên; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo đó, các địa phương ban hành và thực hiện đúng cam kết Quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản (nhất là cát, sỏi lòng sông) tại khu vực giáp ranh; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, gây bức xúc dư luận; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại các Nghị định: số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch trên địa bàn; cấp phép mở bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; kiên quyết xử lý dứt điểm bến bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi trái phép và có biện pháp chống tái diễn. Phát huy vai trò giám sát của người dân, của cộng đồng đối với chính quyền và với doanh nghiệp; của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới; tăng cường giám sát quá trình khai thác của các doanh nghiệp theo đúng Giấy phép và các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là nơi có nguy cơ sảy ra sạt lở.
Vũ Minh
Bình luận